SGKVN

Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) - Bài 9: Các nhóm thủy sản và một số phương thức nuôi phổ biến | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Bài 9: Các nhóm thủy sản và một số phương thức nuôi phổ biến - Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản). Xem chi tiết nội dung bài Bài 9: Các nhóm thủy sản và một số phương thức nuôi phổ biến và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 46)

Sau khi học xong bài này, em sẽ:

- Phân loại được các nhóm thủy sản theo nguồn gốc và đặc tính sinh vật học.

- Nêu được một số phương thức nuôi thủy sản phổ biến ở nước ta, ưu và nhược điểm của từng phương thức.

Mở đầu

Các loài thủy sản được phân loại gồm những nhóm nào? Ngoài phương thức nuôi thâm canh (Hình 9.1) còn có phương thức nuôi thủy sản nào khác, chúng có ưu và nhược điểm gì?

Hình 9.1. Nuôi thủy sản thâm canh

I. PHÂN LOẠI CÁC LOÀI THỦY SẢN

1. Phân loại các loài thủy sản theo nguồn gốc

Căn cứ theo nguồn gốc, các loài thủy sản được phân loại thành:

a) Loài thuỷ sản bản địa

Loài thuỷ sản bản địa là loài thuỷ sản có nguồn gốc và phân bố trong môi trường tự nhiên, ở khu vực địa lí xác định. Ví dụ: Một số loài thuỷ sản bản địa ở Việt Nam như cá diếc (Hình 9.2), ốc nhồi, ếch đồng,...

Hình 9.2. Cá diếc

b) Loài thuỷ sản nhập nội

Loài thuỷ sản nhập nội là những loài thuỷ sản được nhập từ nước ngoài về nuôi ở Việt Nam. Ví dụ: cá hồi vân (Hình 9.3), cá tầm, cá nheo Mĩ,...

Hình 9.3. Cá hồi vân

(Trang 47)

2. Phân loại các loài thuỷ sản theo đặc tính sinh vật học

a) Theo đặc điểm cấu tạo

Dựa vào đặc điểm cấu tạo, các loài thuỷ sản được phân thành năm nhóm:

- Nhóm cá: là động vật có xương sống, bơi bằng vây, thở bằng mang,... có thể là cá nước ngọt (cá tra, cá rô phi, cá diếc,...) hay cá nước mặn, lợ (cá vược, cá song, cá chim vây vàng....).

- Nhóm động vật giáp xác (còn gọi là động vật vỏ giáp hay động vật thân giáp): là một nhóm lớn các động vật chân khớp (tôm, cua,...).

- Nhóm động vật thân mềm (còn gọi là nhuyễn thể): là những động vật có các đặc điểm như cơ thể mềm, có thể có vỏ đá vôi che chở và nâng đỡ, tuỷ lối sống mà vỏ và cấu tạo cơ thể có thể thay đồi (nghêu, sò huyết, trai, hến, mực,...).

- Nhóm rong, tảo: là các loài thực vật bậc thấp, đơn bào hoặc đa bào, có loài có kích thước nhỏ (tảo xoắn Spirulina) nhưng cũng có loài có kích thước lớn (rong nho, rong sụn,...).

- Nhóm bò sát và lưỡng cư: Bò sát là những động vật có xương sống, có màng ối, thở bằng phổi, chuyển dịch bằng cách bò sát đất (thắn lần, rắn, cá sấu,...), có thể sống trên cạn hoặc dưới nước. Lưỡng cư là một lớp động vật có xương sống, máu lạnh, có thể sống dưới nước lẫn trên cạn (ếch,...). Chúng được nuôi để lấy thịt, lấy da, dùng làm thực phẩm hoặc làm đồ mĩ nghệ.

a) Cá chép; b) Cua; c) Ốc nhồi; d) Rong sụn; e) Ba ba; g) Ếch

Hình 9.4. Phân loại thủy sản theo đặc điểm cấu tạo

Khám phá

Sắp xếp các loài thủy sản trong Hình 9.4 vào các nhóm phù hợp.

b) Theo tính ăn

Dựa vào tính ăn, các loài thủy sản được chia thành ba nhóm: nhóm ăn thực vật (Hình 9.5a), nhóm ăn tạp (Hình 9.5b), nhóm ăn động vật (Hình 9.5c).

a) Cá trắm cỏ; b) Cá rô phi; c) Cá quả

Hình 9.5. Phân loại thủy sản theo tính ăn

(Trang 48)

c) Phân loại theo yếu tố môi trường

Tuỳ theo khả năng chịu mặn mà các loài thuỷ sản nuôi được phân loại thành các loài nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Ví dụ: cá chép sống trong nước ngọt, cá song (cá mú) sống ở nước mặn.

Theo điều kiện khí hậu môi trường mà các loài cá được phân loại thành cá ôn đới - nước lạnh (cá tầm, cá hồi,... Hình 9.6a, b); cá nhiệt đới - nước ấm (cá rô phi, cá tra,... Hình 9.6c, d).

a) Cá tầm; b) Cá hồi vân; c) Cá rô phi; d) Cá tra

Hình 9.6. Một số loài cá ôn đới và cá nhiệt đới

Khám phá

Hãy kể tên các loài thủy sản đang được nuôi ở địa phương em và sắp xếp thành các nhóm theo đặc điểm cấu tạo, tính ăn và các yếu tố môi trường.

II. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC NUÔI THỦY SẢN Ở VIỆT NAM

1. Nuôi trồng thủy sản quảng canh

Nuôi trồng thuỷ sản quảng canh (Hình 9.7) là hình thức nuôi dựa hoàn toàn vào nguồn thức ăn và con giống trong tự nhiên. Diện tích ao, đầm nuôi quảng canh thường rất lớn, ít được đầu tư về cơ sở vật chất, mật độ nuôi thấp. Hiện nay mô hình này thường bị hạn chế do diện tích nuôi quảng canh bị thu hẹp và hiệu quả kinh thế thấp.

Ưu điểm: vốn vận hành sản xuất thấp do không phải chi phí đầu tư cho con giống và thức ăn, ít chịu rủi ro về vấn đề dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, giá bán sản phẩm cao hơn sản phẩm từ các phương thức nuôi khác.

Nhược điểm: năng suất và sản lượng thấp, quản lí và vận hành sản xuất khó khăn.

Hình 9.7. Nuôi trồng thủy sản quảng canh

2. Nuôi trồng thủy sản bán thâm canh

Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh (Hình 9.8) là phương thức nuôi trồng thuỷ sản trong điều kiện kiểm soát được một phần quá trình tăng trưởng và sản lượng của loài thuỷ sản nuôi; sự tăng trưởng của loài thuỷ sản nuôi phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên và thức ăn nhân tạo.

(Trang 49)

Ưu điểm: dễ dàng vận hành, quản lí; phù hợp với điều kiện kinh tế của người nuôi. Phương thức nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi quảng canh.

Nhược điểm: chưa áp dụng công nghệ cao, năng suất thấp hơn phương thức nuôi thâm canh.

Hình 9.8. Ao nuôi cá bán thâm canh

3. Nuôi trồng thủy sản thâm canh

Nuôi trồng thuỷ sản thâm canh (Hình 9.9) là phương thức nuôi trồng thuỷ sản trong điều kiện kiểm soát quá trình tăng trưởng và sản lượng của loài thuỷ sản nuôi thông qua việc cung cấp giống nhân tạo, thức ăn công nghiệp, nguồn nước cấp và thoát chủ động. Môi trường nuôi được quản lí nghiêm ngặt, có sự hỗ trợ của các trang thiết bị phục vụ nuôi thuỷ sản.

Ưu điểm: áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong quản lí và vận hành; năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Nhược điểm: vốn đầu tư lớn, rủi ro cao nếu người nuôi không nắm vững kiến thức và kĩ thuật.

Hình 9.9. Ao nuôi tôm thâm canh

Khám phá

Nêu phương thức nuôi thủy sản đang được áp dụng phổ biến ở địa phương em. Nêu ưu và nhược điểm của phương thức đó.

Luyện tập

1. Phân loại các loài thủy sản theo nguồn gốc và đặc tính sinh vật học

2. Mô tả các phương thức nuôi trồng thủy sản phổ biến ở nước ta. Nêu ưu và nhược điểm của từng phương thức

Vận dụng

Hãy đề xuất phương thức nuôi một loài thủy sản phù hợp với thực tiễn địa phương em.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

ngu-van-7-tap-2-851

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

tieng-viet-3-tap-hai-1050

Tiếng Việt 3 - Tập Hai

Sách Lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo

tin-hoc-10-3282

Tin Học 10

Kết nối tri thức Tin học 10 Chủ đề 6: Hướng nghiệp với Tin học

tin-hoc-9-953

Tin Học 9

Sách Lớp 9 Cánh Diều

tieng-anh-1-family-and-friends-29

TIẾNG ANH 1 (Family and Friends)

Sách Lớp 1 Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề