(Trang 82)
Mục tiêu, yêu cầu cần đạt
- Thực hiện đúng một số chiến thuật phòng thủ nhóm; sử dụng thành thạo, ổn định các kĩ thuật đã học trong phối hợp chiến thuật phòng thủ nhóm.
- Tích cực tham gia công tác trọng tài điều khiển các trận đấu nhằm nâng cao hiệu quả học tập và rèn luyện.
- Đạt tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Thể hiện được ý thức tự giác, tinh thần tập thể, đoàn kết tích cực giúp đỡ lẫn nhau trong tập luyện và thi đấu.
MỞ ĐẦU
1. Khởi động chung
a) Khởi động chung
- Chạy chậm trên địa hình tự nhiên.
- Xoay, gập, duỗi các khớp; ép dọc, ép ngang.
b) Khởi động chuyên môn
- Chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi, chạy đạp sau, chạy tăng tốc độ, chạy chuyển hướng.
- Tâng bóng, dẫn bóng luồn cọc; di chuyển ngang phối hợp chuyền bóng một chạm, phối hợp đá bóng và dừng bóng.
2. Trò chơi hỗ trợ khởi động
Tranh bóng (H.1)
- Chuẩn bị: Các bạn tham gia trò chơi được chia thành các nhóm 7 bạn, mỗi nhóm có 5 bạn làm nhiệm vụ chuyền bóng cho nhau, hai bạn làm nhiệm vụ tranh bóng.
- Thực hiện: 5 bạn di chuyển và chuyền bóng cho nhau trong phạm vi của sân (không được đề bóng ra khỏi đường biên); hai bạn luân phiên tranh bóng và hỗ trợ nhau ngăn chặn các bạn nhóm 5 người chuyền bóng cho nhau. Bạn trong nhóm 5 người làm bóng ra ngoài đường biên của sân hoặc để nhóm hai người chạm bóng (không được dùng tay tranh bóng) sẽ trở thành người tranh bóng.
(Trang 83)
Hình 1. Trò chơi Tranh bóng
KIẾN THỨC MỚI
Sự phối hợp của hai cầu thủ trở lên trong phòng thủ được gọi là chiến thuật phòng thủ nhóm. Phòng thủ nhóm là một bộ phận tạo nên chiến thuật phòng thủ của toàn đội. Trong thực tiễn thi đấu bóng đá, chiến thuật phòng thủ nhóm rất đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện.
Một số hình thức phối hợp trong phòng thủ nhóm:
1. Bọc lót
Bọc lót là sự hỗ trợ nhau giữa các cầu thủ trong phòng thủ nhằm tạo nên tuyến phòng thủ có nhiều tầng, nhiều lớp chặt chẽ (H.2). Nội dung chủ yếu của bọc lót là các cầu thủ chiếm vị trí thích hợp để có thể hỗ trợ và tiếp ứng lẫn nhau trong phòng thủ.
Phối hợp bọc lót cần đảm bảo: Đánh giá đúng tình huống trên sân để xác định vị trí và phương pháp hành động thích hợp; cự li giữa các cầu thủ phải hợp lí để có thể vừa bọc lót được cho đồng đội, vừa bảo vệ được khu vực do mình đảm nhiệm.
2. Bù chỗ cho nhau
Bù chỗ cho nhau là sự thay thế vị trí của đồng đội khi đồng đội phải rời vị trí phòng thủ để làm nhiệm vụ khác cấp thiết hơn (H.3). Trong phòng thủ, khi bù chỗ cho nhau cần đảm bảo:
- Di chuyển đến vị trí để bù chỗ cho đồng đội bằng đường ngắn nhất, hợp lí nhất luôn quan sát và nhận định các tình huống trong khu vực phòng thủ.
- Không được tạo nên những khoảng trống mới ở khu vực phòng thủ.
(Trang 84)
3. Phòng thủ trong các tình huống cố định
- Khi đối phương đá phạt góc, phòng thủ cần đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Tăng cường lực lượng phòng thủ (cầu thủ hàng tấn công lùi về tham gia phòng thủ); kết hợp giữa phòng thủ khu vực và phòng thủ kèm người.
+ Bọc lót cho thủ môn khi thủ môn di chuyển để bắt bóng; bảo vệ hai góc của cầu môn.
- Khi đối phương đá phạt trực tiếp, phòng thủ cần đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Hạn chế đối phương triển khai đá phạt nhanh, tổ chức tấn công nhanh.
+ Khi điểm đá phạt xa cầu môn, cần tổ chức phòng thủ tại các khu vực đối phương có thể triển khai tấn công cầu môn và tổ chức kèm người.
+ Khi điểm đá phạt gần cầu môn, cần tổ chức “làm hàng rào” và chiếm lĩnh các vị trí đối phương có thể đá bóng thẳng vào cầu môn.
* Chú ý:
- Lỗi sai thường gặp: Tốc độ di chuyển của cầu thủ bọc lót hoặc bù chỗ chậm hơn tốc độ dẫn bóng của cầu thủ tấn công.
- Cách sửa: Tăng tốc độ, di chuyển đến vị trí phòng thủ với tốc độ tối đa; phán đoán đúng vị trí cần phòng thủ để di chuyển đến trước. Phối hợp luyện tập chiến thuật kèm người khi bọc lót cho đồng đội.
LUYỆN TẬP
1. Luyện tập nhóm
Luân phiên chỉ huy nhóm luyện tập:
- Hai bạn bọc lót cho nhau trong phòng thủ nhóm: Khi bạn ở điểm B bị đối phương ở điểm A dẫn bóng vượt qua và hướng đến điểm C, bạn ở điểm D nhanh chóng di chuyển đến điểm C (D bọc lót cho B) để thay thế đồng đội tiếp tục cản phá đường tấn công của đối phương (H.2). Phối hợp luyện tập chiến thuật kèm người khi bọc lót cho đồng đội.
Hình 2. Sơ đồ luyện tập hai bạn bọc lót cho nhau trong phòng thủ nhóm
- Hai bạn bù chỗ cho nhau trong phòng thủ nhóm: Khi bạn ở vị trí D bị đối phương ở vị trí A dẫn bóng vượt qua và hướng đến vị trí C, bạn ở vị trí E (đang kèm đối phương ở vị trí B) nhanh chóng di chuyển đến vị trí C để tiếp tục cản phá đường tấn công của đối phương; bạn ở vị trí D nhanh chóng di chuyển đến vị trí E để bù chỗ cho đồng đội đã di chuyển đến vị trí C (H.3). Phối hợp luyện tập chiến thuật tranh bóng bù chỗ cho đồng đội.
(Trang 85)
Hình 3. Sơ đồ luyện tập hai bạn bù chỗ cho nhau trong phòng thủ nhóm
- Tổ chức "làm hàng rào" khi đối phương đá phạt: Từ 3 – 5 bạn đứng thành hàng ngang, đối diện với vị trí đá phạt chắn hướng đối phương đá bóng vào cầu môn (H.4).
Hình 4. Sơ đồ luyện tập tổ chức “làm hàng rào” trong phòng thủ nhóm
2. Thi đấu tập
- Mục đích: Thực hành chiến thuật phòng thủ nhóm.
- Chuẩn bị: Sân bóng đá; luân phiên làm trọng tài thi đấu.
- Thực hiện: Hai đội thi đấu theo Luật Bóng đá hiện hành, thực hành các hình thức phối hợp chiến thuật phòng thủ nhóm trong quá trình thi đấu.
VẬN DỤNG
1. Trong thi đấu bóng đá, các cầu thủ thường phối hợp bọc lót cho nhau ở khu vực nào trên sân?
2. Trong thi đấu bóng đá, hình thức phối hợp bù chỗ cho nhau trong phòng thủ nhóm có những ưu điểm và hạn chế gì?
3. Sử dụng sa bàn chiến thuật để thảo luận về chiến thuật phòng thủ nhóm.