(Trang 124)
Yêu cầu cần đạt
• Hệ thống hoá kiến thức đã học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai.
• Phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe thông qua việc thực hiện những nhiệm vụ đặt ra trong các bài tập.
• Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học và rèn luyện vào việc giải quyết những bài tập mang tính tổng hợp.
I. HỆ THỐNG HOÁ KIẾN THỨC ĐÃ HỌC
1. Loại văn bản và thể loại văn bản nào đã được học trong học kì II? Nêu nhan đề những văn bản cụ thể thuộc về các loại, thể loại đó.
2. Bài 6 (Nguyễn Trãi – “Dành còn để trợ dân này") có những điểm gì đặc biệt so với các bài học khác?
3. Qua những văn bản được đọc và phân tích ở Bài 7, những kiến thức nào về thể loại truyện được chú ý bổ sung, nhấn mạnh (so với những bài học về truyện trước đó)?
4. Hãy thống kê các nội dung thực hành tiếng Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai. Những hiểu biết về phương tiện phi ngôn ngữ đã giúp bạn những gì trong việc đọc các văn bản thông tin và viết bản nội quy hay bản hướng dẫn nơi công cộng?
5. Sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai gồm những kiểu bài viết nào? Hãy nhắc lại tên các kiểu bài viết và yêu cầu chung của từng kiểu bài.
6. Những nội dung nói và nghe nào đã được thực hiện với các bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai? Nội dung nói và nghe nào khiến bạn hứng thú nhất? Vì sao?
(Trang 125)
II. LUYỆN TẬP VÀ VẬN DỤNG
1. ĐỌC
Đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
VĂN BẢN 1 Vật liệu thông minh (Trích) ---------------------------------------- An-na Plô-xgiai-xki (Anna Ploszajski) Hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ thế nào nếu các vật dụng của bạn có thể cảm nhận, phản ứng di chuyển, thích nghi, biến đổi và hoàn toàn tự sửa chữa. Trong tương lai, điều này sẽ trở thành hiện thực; các vật thể rắn sẽ tự hoạt động mà không cần sự tương tác của con người, không phải nhờ rô-bốt hay điện tử, mà nhờ việc được chế tạo từ“vật liệu thông minh”. Đây là những chất rắn có tính chất - như màu sắc, hình dạng hoặc từ tính - có thể thay đổi một cách độc lập để thích ứng với các kích thích như ánh sáng, nhiệt độ, áp lực hoặc độ ẩm. Phạm vi của chủ đề này rất rộng. Trong cuộc sống của mình, chúng ta sẽ thấy các vật liệu thông minh ở khắp mọi nơi: trên các mái nhà thay đổi màu sắc để điều chỉnh nhiệt độ của các toà nhà, trong các thiết bị đeo tay, trong cấu tạo của những rô-bốt giống người, hay thậm chí là những lon bắp rang tự biết mở. [...] Ngày nay, có hàng triệu các nghiên cứu được cấp bằng sáng chế sử dụng những vật liệu này. Nhìn chung, chức năng của chúng chia làm sáu loại – thay đổi màu sắc, cảm nhận, di chuyển, sưởi ấm/làm mát, tự khắc phục và thay đổi trạng thái (đóng băng và tan chảy). Và vật liệu thông minh không bị giới hạn trong địa hạt khoa học viễn tưởng hay phòng thí nghiệm - hầu hết mọi người đã quen thuộc với một vài thứ như kính râm đổi màu, tự động tối lại khi gặp ánh sáng mặt trời, hoặc cốc tri nhiệt biến sắc, tự động thay đổi màu sắc khi đổ cà phê nóng vào bên trong. [...] Đây là tương lai của thế giới vật chất – và đó sẽ là một nơi thú vị. (Nhiều tác giả, Gim Eo-Kha-lơ-li (Jim Al-Khalili) biên tập, Nguyễn Kim Phụng dịch, Thế giới sẽ ra sao?, NXB Dân trí – Công ti cổ phần Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2020, tr. 211 – 213) |
(Trang 126)
VĂN BẢN 2 80 năm nhìn lại... (Trích) ---------------------- Nguyễn Khắc Viện ---------------------- [...] Lớn lên trong gia đình nhà Nho, tôi nhận thức được rằng mình được học hành đầy đủ là mang một món nợ đối với nước, với dân, với anh em mang súng gươm lăn lộn trên chiến trường. Vũ khí của tôi là lời nói, là cây bút. Với bà con Việt kiều yêu nước, ai thắc mắc hiểu lầm thì phải đứng lên thuyết phục, ở đâu xuyên tạc chính nghĩa của dân tộc ta thì đấu khẩu, đấu bút trên báo chí, trong hội nghị, trên đài phát thanh. Ở Pa-ri, Thụy Điển, Rô-ma (Roma), Thái Lan,... may mắn được biết bao bạn bè vừa chân tình, vừa thông thái hết lòng giúp đỡ, đăng lên báo, in thành sách, chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ả Rập,... Không thể quên người bạn đời của tôi từng chia sẻ ngọt bùi đắng cay để cùng gánh vác sự nghiệp. Có lần khai lí lịch tên bạn bè ở nước ngoài, tôi quả lúng túng. Cả kiều bào lẫn người nước ngoài đến mấy trăm người ghi sao hết được! Bao nhiêu người chắp cánh cho tôi xông vào nhiều trận địa khác nhau: chính trị, quân sự kinh tế, lịch sử văn hoá, xã hội,... tả xung hữu đột hơn ba mươi năm trời như anh chàng Đông Ki-sốt (Don Quijote) thuở nào, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành nghĩa vụ người công dân. [...] (Nguyễn Khắc Viện, Tự truyện, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr. 193 – 194) |
1. Hai văn bản Vật liệu thông minh và 80 năm nhìn lại... nhắc bạn nhớ tới những văn bản nào đã được đọc, tham khảo hay thực hành viết trong học kì II? Dựa vào đâu mà bạn có liên hệ như vậy?
2. Yếu tố tự sự, biểu cảm thể hiện đậm nét trong văn bản nào? Hãy phân tích lí do xuất hiện và ý nghĩa của yếu tố tự sự, biểu cảm ở văn bản đó.
3. Trong văn bản 1, những câu nào có sử dụng biện pháp chêm xen?
4. Trong văn bản Vật liệu thông minh có câu: “Phạm vi của chủ đề này rất rộng”. Dựa vào hiểu biết của mình, bạn có thể nói thêm điều gì về chủ đề đã được tác giả gợi lên?
5. Cả hai văn bản, theo những cách khác nhau, đều chứa đựng những gợi ý bổ ích về bước đường tương lai của chính chúng ta. Bạn có đồng tình với ý kiến này không? Vì sao?
(Trang 127)
2. VIẾT
Chọn một trong các đề sau:
Đề 1.
Viết một bài văn nghị luận thể hiện những điều bạn cảm nhận được qua việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của danh nhân Nguyễn Trãi.
Đề 2.
Tình thế lựa chọn khó khăn nhưng đầy ý nghĩa mà bạn đã trải qua trong hành trình rèn luyện – trưởng thành của mình.
Hãy viết về chủ đề trên.
Đề 3.
Trong số những tác phẩm văn học mà bạn đã tìm đọc được theo gợi ý ở các bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai, tác phẩm nào đã để lại cho bạn nhiều ấn tượng và suy nghĩ nhất? Hãy viết một bài văn nghị luận bàn về tác phẩm đó theo các vấn đề nội dung và nghệ thuật tự chọn.
Đề 4.
Theo quan sát và trải nghiệm của bạn, ở không gian sinh hoạt cộng đồng nào còn thiếu những quy định, hướng dẫn về hành vi ứng xử cần có cho mọi người? Trong vai người được một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền uỷ nhiệm, bạn hãy hoàn thành một bản nội quy hay hướng dẫn nơi công cộng góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, có văn hoá.
3. NÓI VÀ NGHE
Chọn thực hiện theo nhóm học tập một trong các nội dung sau:
Nội dung 1.
Thảo luận về vấn đề: Cần xử lí như thế nào mối quan hệ giữa việc tuân phục ý chí của người khác và việc thuận theo mách bảo của nội tâm trên vấn đề chọn đường đi trong cuộc sống?
Nội dung 2.
Cái hay của tác phẩm nằm ở đâu? Hãy cùng thảo luận vấn đề này trong một tác phẩm văn học được nhóm chọn đọc chung.
Nội dung 3.
Tự hiểu mình có dễ không và làm thế nào để hiểu? Hãy thực hiện bài thuyết trình về vấn đề trên.