(Trang 99)
Yêu cầu cần đạt
• Nhận biết và phân tích được bối cảnh lịch sử hoặc bối cảnh văn hoá, xã hội của văn bản; nêu được ý nghĩa của văn bản đối với quan niệm sống của bản thân.
• Nhận biết và đánh giá được tác dụng của các phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản. Viết được một bài luận về bản thân.
• Biết thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ với phương tiện phi ngôn ngữ.
• Có ý thức làm chủ bản thân, phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội và có đóng góp tích cực cho đời sống của cộng đồng.
TRI THỨC NGỮ VĂN Biểu đồ, sơ đồ trong văn bản thông tin Các biểu đồ, sơ đồ giúp các thông tin trong văn bản trở nên cụ thể, trực quan, đồng thời cho thấy mối quan hệ logic giữa các thông tin. Có rất nhiều dạng biểu đồ, sơ đồ: biểu đồ tròn thể hiện vòng tuần hoàn của các sự vật, hiện tượng; sơ đồ Venn dùng để so sánh; biểu đồ thời gian dùng để biểu đạt sự phát triển; sơ đồ cây thể hiện hệ thống cấp bậc của thông tin... Bài luận về bản thân Những tri thức học được qua sách vở và những trải nghiệm trong cuộc sống không chỉ giúp bạn hiểu biết thêm về con người và thế giới rộng lớn xung quanh, mà còn gợi cho bạn những suy ngẫm về bản thân: bạn là ai; mong muốn, ước mơ, niềm tin, giá trị sống của bạn là gì; đâu là thế mạnh của bạn; với tư cách là một cá nhân, bạn có mối quan hệ như thế nào với người khác, với thế giới tự nhiên, mỗi lựa chọn của bạn có tác động gì tới cuộc sống của chính bạn và của người khác.... Những suy nghĩ, quan điểm, kiến giải đó có thể được trình bày dưới dạng một bài luận về bản thân. Bài luận về bản thân là một loại văn bản nghị luận, thể hiện quan điểm, chủ kiến của người viết, có lập luận chặt chẽ và bằng chứng đáng tin cậy. Tuy nhiên, khác với |
(Trang 100)
bài nghị luận thông thường, bài luận về bản thân hướng vào việc tự bày tỏ, tự soi xét và chia sẻ những trải nghiệm, suy nghĩ,... của chính người viết. Sự chân thành, sâu sắc trong suy ngẫm của người viết là yếu tố quan trọng nhất làm nên sức hấp dẫn của kiểu văn bản này. Viết một bài luận về bản thân là thực hành việc nhìn lại chính mình, tự ý thức về giá trị của chính mình – điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang cuộc sống. |
VĂN BẢN 1
Về chính chúng ta
(Trích 7 bài học hay nhất về vật lí)
---------------------------------
Các-lô Rô-ve-li (Carlo Rovelli)
---------------------------------
Bạn suy nghĩ như thế nào về quan niệm cho rằng con người là chúa tể của tự nhiên?
Tôi không thể, dù chỉ tưởng tượng, làm sao có thể trả lời một câu hỏi như thế trong vài trang giấy. Đó là một câu hỏi rất khó. Trong bức tranh khoa học rộng lớn ngày nay, có nhiều thứ chúng ta không hiểu nổi, và một trong những thứ mà ta hiểu ít nhất là chính chúng ta. Nhưng nếu né tránh hay phớt lờ -------------------------------- (1) Dịch giả dịch là quần tụ. |
(Trang 101)
câu hỏi ấy, thì theo tôi sẽ là bỏ sót những điều rất cốt lõi. Tôi đã trình bày thế giới trông như thế nào dưới ánh sáng khoa học, và chúng ta cũng là một phần của cái thế giới ấy. “Chúng ta”, con người, trước hết là những chủ thể(1) biết quan sát thế giới này; những nhà sáng lập tập thể của bức tranh về thực tại mà tôi đã cố gắng mô tả lại. Chúng ta là các nút trong một mạng lưới những sự trao đổi, nhờ nó chúng ta truyền đi các hình ảnh, các công cụ, thông tin và kiến thức.
Nhưng chúng ta còn là một bộ phận hữu cơ của thế giới mà ta cảm nhận được; chúng ta không phải người quan sát đứng ngoài cuộc. Chúng ta nằm trong nó. Cái nhìn của chúng ta về nó là nhìn từ trong lòng nó. Chúng ta được làm ra từ cùng những nguyên tử, cùng những tín hiệu ánh sáng giống như nguyên tử hay ánh sáng qua lại giữa những cây thông trên núi hay những ngôi sao trong các thiên hà. Khi hiểu biết của chúng ta tăng lên, chúng ta đã biết rằng sự tồn tại của chúng ta chỉ là một phần của vũ trụ, và là phần rất nhỏ bé trong đó. Điều này ngày càng rõ ràng qua nhiều thế kỉ, nhưng đặc biệt sáng rõ trong thế kỉ vừa qua. Chúng ta từng tin rằng mình ở trên một hành tinh nằm tại trung tâm vũ trụ rồi hóa ra không phải vậy. Chúng ta từng nghĩ rằng mình là thứ tồn tại duy nhất, một chủng loài tách biệt hẳn với họ các động vật và thực vật, rồi phát hiện ra rằng mình là hậu duệ có cùng các tổ tiên với mọi sinh thể quanh ta. Chúng ta có cùng tổ tiên xa xôi với con bướm và cây thông. Chúng ta giống như đứa trẻ, khi lớn lên nhận ra rằng thế giới không chỉ vẻn vẹn là những gì ở quanh mình như nó tưởng khi còn bé. Nó cần học hỏi để làm một người giữa những người khác. Noi gương những người khác và những thứ khác nữa, chúng ta học được mình là ai.
[...] Tri thức của chúng ta chung quy đều phản ánh thế giới. Chỉ là phản ánh được ít hay nhiều mà thôi, nhưng quả thực nó phản ánh thế giới mà chúng ta sống trong đó. Cách kết nối giữa chúng ta và thế giới không phải là cái làm chúng ta đặc biệt hơn phần còn lại của tự nhiên. Mọi vật đều không ngừng tương tác với nhau, và khi làm thế, mỗi người trong chúng ta đều mang theo dấu vết của cái mà ta đã tương tác: và theo nghĩa ấy, mọi vật không ngừng trao đổi thông tin về nhau.
Thông tin mà một hệ vật lí này có về hệ vật lí khác không có gì thuộc về ý thức hay chủ quan hết: nó chỉ là mối liên quan mà vật lí định ra giữa trạng thái của vật này với trạng thái của vật khác. Một giọt mưa chứa thông tin về sự hiện diện của một đám mây trên trời; một tia sáng chứa thông tin về màu sắc của chất đã gửi nó đến mắt ta; một cái đồng hồ có -------------------------------- (1) Chủ thể: con người với tư cách là một sinh vật có ý thức và ý chí, trong mối quan hệ đối lập với thế giới bên ngoài (gọi là khách thể). |
(Trang 102)
thông tin về thời gian trong ngày; gió mang thông tin về một trận bão đang ập đến; virus ; cảm lạnh có thông tin về tính dễ tổn thương của cái mũi tôi; DNA trong tế bào chúng ta chứa tất cả thông tin về mã di truyền của chúng ta (về cái đã làm cho tôi giống với cha của mình); và não của tôi tràn ngập những thông tin được tích luỹ từ trải nghiệm của tôi. Chất liệu căn bản làm nên tư duy của chúng ta là tập hợp vô cùng phong phú các thông tin được tích luỹ, trao đổi và không ngừng được xây dựng kĩ lưỡng.
[...] Các giá trị đạo đức của chúng ta, cảm xúc của chúng ta, tình yêu của chúng ta cũng mang tính hiện thực không kém vì là một phần của tự nhiên, vì được chia sẻ với thế giới động vật, hay vì được quyết định bởi sự tiến hoá mà loài chúng ta đã trải qua suốt hàng triệu năm. Vì thế, chúng còn có giá trị hơn nữa: chúng có thực. Chúng là cái hiện thực phức tạp đã tạo nên chúng ta. Thực tại của chúng ta là những giọt nước mắt và nụ cười, lòng biết ơn và vị tha, sự trung thành và phản bội, là quá khứ luôn ám ảnh chúng ta và sự thanh thản. Thực tại của chúng ta được làm nên từ xã hội của chúng ta, từ cảm xúc nhờ âm nhạc đem lại, từ các mạng lưới kiến thức chung đan dệt phong phú mà chúng ta cùng nhau xây đắp. Tất cả là một phần của chính cái “tự nhiên” đồng nhất mà chúng ta đang mô tả. Chúng ta là một bộ phận hữu cơ của tự nhiên; chúng ta là tự nhiên, là một trong vô số các biểu hiện biến thiên vô cùng vô tận của nó. Đó là những gì chúng ta đã học hỏi được từ hiểu biết không ngừng tăng lên về mọi sự vật của thế giới này. Chính là vì cái tự nhiên đồng nhất, nên điều khiến cho chúng ta thật sự trở thành người không có nghĩa là chúng ta tách khỏi tự nhiên. Đó là một dạng thức mà tự nhiên đã thể hiện tại hành tinh của chúng ta, trong tương tác vô tận các kết hợp của nó, thông qua các tác động qua lại và trao đổi các tương quan và thông tin giữa các bộ phận của nó. Ai mà biết rằng còn tồn tại bao nhiêu những điều phức tạp phi thường gì khác, dưới các dạng thức mà có lẽ chúng ta không thể hình dung nổi, trong những khoảng không vô tận của vũ trụ,... Hẳn nhiều đến nỗi sẽ là ngây ngô khi cho rằng ở một góc ngoại vi của một thiên hà bình thường nào đó lại có cái gì đó là đặc biệt và duy nhất. Sự sống trên Trái Đất chỉ mang lại một dư vị thoảng qua của những gì có thể xảy ra trong vũ trụ. Ngay chính linh hồn chúng ta cũng chỉ là một ví dụ bé nhỏ. [...] Tự nhiên là nhà của chúng ta, và sống trong tự nhiên nghĩa là chúng ta đang ở nhà của mình. [...] [...] Một phần bản tính của chúng ta là yêu thương và lương thiện. Một phần bản tính của chúng ta là khao khát được hiểu biết nhiều hơn nữa và luôn học hỏi. Tri thức của chúng ta về thế giới không ngừng tăng lên.
[...] Tại đấy, bên bờ của những gì chúng ta đã biết, tiếp giáp với cả đại dương mênh mông những gì chưa biết, rực sáng lên vầng hào quang của sự huyền bí và vẻ đẹp của thế giới. Thật là quyến rũ đến mê hồn. (Các-lô Rô-ve-li, Nguyễn Nguyên Hy dịch, 7 bài học hay nhất về vật lí, NXB Thế giới – Công ti cổ phần Sách Omega Việt Nam, Hà Nội, 2018, tr. 119 – 142) |
(Trang 103)
Các-lô Rô-ve-li sinh năm 1956, là nhà vật lí học lí thuyết, nhà văn, sinh ra ở I-ta-li-a (Italia), chủ yếu làm việc ở Mỹ và Pháp. Các nghiên cứu của ông tập trung vào lĩnh vực lực hấp dẫn lượng tử. Ông cũng nghiên cứu sâu về lịch sử và khoa học triết học. Những công việc này đã giúp ông có một tri thức tổng hợp rộng lớn và cái nhìn toàn diện, sâu sắc về vũ trụ và đời sống.
Cuốn sách nổi tiếng của ông – 7 bài học hay nhất về vật lí được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2014, đã được dịch sang 41 thứ tiếng và bán hàng triệu bản khắp thế giới. Không chỉ là một cuốn cẩm nang súc tích về vật lí học hiện đại, cuốn sách còn chứa đựng những suy tư mang tính chất triết học về thế giới và con người. Ở đó, khoa học, triết học, văn chương và tôn giáo đã được kết hợp một cách hài hoà, cho người đọc thấy được vẻ đẹp huyền bí của thế giới này.
Trả lời câu hỏi
1. Trong văn bản, tác giả đã trình bày quan điểm về vấn đề gì? Quan điểm ấy đã được triển khai thành những luận điểm chính nào?
2. Để làm sáng tỏ các luận điểm chính, tác giả đã sử dụng những lí lẽ, bằng chứng nào? Những thông tin khoa học trong văn bản có ý nghĩa gì trong việc làm sáng tỏ những luận điểm chính?
3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của các yếu tố miêu tả, biểu cảm, các biện pháp tu từ trong văn bản.
4. Tác giả đã trình bày quan điểm về mối quan hệ giữa con người và thực tại từ góc nhìn nào, với một thái độ như thế nào?
5. Tác giả nghĩ gì về khả năng nhận thức thế giới của con người?
6. “Tự nhiên là nhà của chúng ta, và sống trong tự nhiên nghĩa là chúng ta đang ở nhà của mình". Bạn nghĩ gì về nhận định của tác giả?
Kết nối đọc – viết
Nhận thức nào từ văn bản Về chính chúng ta mà bạn muốn mang theo trong hành trang cuộc sống của mình? Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) để chia sẻ về điều này.
(Trang 104)
VĂN BẢN 2
Con đường không chọn
--------------------------------
Rô-bớt Phờ-rót (Robert Frost)
--------------------------------
• Bạn đã bao giờ cảm thấy khó khăn khi phải đứng trước nhiều khả năng lựa chọn?
• Điều gì đã khiến bạn đưa ra quyết định lựa chọn của mình khi ấy? Bạn thấy may mắn hay tiếc nuối vì lựa chọn đó của bản thân?
Bản dịch 1 Con đường rẽ làm đôi giữa rừng lá vàng Biết làm sao, tôi chỉ có thể chọn một mà thôi Thân phận lữ hành, tôi đứng mãi Nhìn theo một lối rẽ bên này Đến tận nơi vệt đường khuất dạng sau bụi cây; Thế rồi tôi lại bước vào lối rẽ bên kia, Có khác gì đâu, mà có khi lại có lí hơn kìa, Vì cỏ rậm trên mặt đường như thèm muốn người đi; Nhưng thật ra có đôi chỗ đây kia Cũng đã thấy dấu mòn như con đường nọ, Và thế là buổi mai hôm đó Trước hai con đường lá rơi đầy chưa đen vết chân ai. Tôi đành hẹn sẽ quay lại con đường không đi một ngày nào đó! Nhưng lòng thừa hiểu nào biết đến bao giờ, Đường lại đưa đường làm sao biết trước. Tôi sẽ kể chuyện này trong một tiếng thở dài Rằng đâu đó ngày xưa đã lâu lắm rồi: Con đường rẽ làm đôi giữa một khu rừng, và tôi – Tôi đã chọn lối mòn ít có ai đi, Và điều đó đã làm đổi thay tất cả.
(Trịnh Lữ dịch, http://thivien.net) |
(Trang 105)
Bản dịch 2 Hai lối rẽ trong rừng vàng rực lá, Buồn thay biết làm sao chọn cả Là kẻ lữ hành, tôi đứng đó hồi lâu Dõi mút tầm lối nọ về đâu Tới tận khúc quanh giữa bụi bờ chìm khuất; Rồi tôi chọn lối này, như chẳng khác, Nhưng xem chừng theo thôi thúc mạnh hơn, Vì cỏ rậm muốn mời chân bước; Dù qua đây đi về phía trước Hai lối như nhau đều có vệt mòn, Hai nẻo đường sáng ấy trải ra Trên thảm lá chưa chân ai hằn dấu thẫm. Sẽ đi lối đầu tiên, một ngày nào, muốn lắm! Nhưng đường nối đường, lòng thao thức mai đây, Chắc gì tôi được trở lại chốn này. Rồi với tiếng thở dài tôi sẽ nói Ngày nào kia trong tháng năm vời vợi: Hai lối xuyên rừng, đứng đó một tôi – Tôi đã chọn lối đi ít dấu chân người, Và điều đó làm nên bao khác biệt. (Phan Huy Dũng dịch, tạp chí Sông Lam, số 11, tháng 3/2021, tr. 96) |
(Trang 106)
Rô-bớt Phờ-rớt (1874 – 1963) là nhà thơ Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn trong văn học hiện đại. Cho đến nay, ông là nhà thơ duy nhất từng được bốn lần nhận giải thưởng Pu-lít-dơ (Pulitzer) – giải thưởng thường niên uy tín của Mỹ trao cho các lĩnh vực như báo chí, văn chương, âm nhạc,...
Con đường không chọn là một trong những bài thơ được đọc nhiều nhất của Rô-bớt Phờ-rớt. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1915, lấy cảm hứng từ những cuộc đi dạo trong rừng với người bạn của ông – nhà thơ Ét-uốt Thô-mớt-xơ (Edward Thomas, 1878 – 1917). Theo lời của Phờ-rớt, trong những cuộc đi dạo ấy, Thô-mớt-xơ thường băn khoăn không biết nên chọn lối nào để đi, rồi sau khi đã lựa chọn, ông lại nuối tiếc, đáng lẽ nên chọn một lối khác.
Bài thơ của Phờ-rớt ra đời vào thời điểm nhiều người hoài nghi về lựa chọn của bản thân và thường nghĩ rằng họ nên quay lại con đường mình từng từ bỏ. Không lâu sau khi nhận được bài thơ của Phờ-rớt trong một lá thư, Thô-mớt-xơ tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và đã tử trận tại A-rát-xơ (Arras)(1) vào năm 1917.
Trả lời câu hỏi
1. “Con đường” và “lối rẽ” trong bài thơ có thể xem là những ẩn dụ. Những ẩn dụ đó gợi cho bạn nghĩ đến điều gì?
2. Theo bạn, tại sao Rô-bớt Phờ-rớt lại đặt nhan đề bài thơ là Con đường không chọn mà không phải là Con đường tôi chọn hay Con đường ít người đi?
3. Hai lối rẽ trong rừng khác nhau hay giống nhau nhiều hơn? Phải chăng vì điều ấy mà nhân vật trữ tình trong bài thơ cảm thấy khó khăn khi phải chọn lựa một trong hai lối rẽ?
4. Nếu như nhân vật trữ tình không thể chọn cả hai lối rẽ cùng lúc thì anh ta có thể không lựa chọn bất cứ lối rẽ nào được chăng? Vì sao?
5. Trong bài thơ, cuối cùng nhân vật trữ tình cũng vẫn phải đưa ra lựa chọn của mình. Theo bạn, anh ta có thật sự tin rằng lối rẽ mình chọn là con đường tốt hơn?
6. Bạn có đồng cảm với trạng thái do dự, phân vân của nhân vật trữ tình xuyên suốt bài thơ không? Vì sao?
7. Hãy nêu một thông điệp từ bài thơ có ý nghĩa đối với cá nhân bạn.
Kết nối đọc – viết
Từ bài thơ này, theo bạn, làm thế nào để chúng ta can đảm hơn trong những lựa chọn của mình trên hành trình trưởng thành? Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) để trả lời câu hỏi trên.
-------------------------
(1) A-rát-xơ: tên một thành phố của nước Pháp, nơi diễn ra trận tấn công của quân đội Anh nhằm vào quân đội Đức, từ ngày 9/4/1917 đến ngày 16/5/1917.
(Trang 107)
VĂN BẢN 3
Một đời như kẻ tìm đường
(Trích)
-------------------
Phan Văn Trường
-------------------
Mỗi lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của chúng ta trong tương lai? Làm thế nào để đưa ra những lựa chọn đúng trong cuộc đời?
Năm mười bốn tuổi là năm đầu tiên tôi phải suy nghĩ để đưa ra những lựa chọn cho cuộc đời mình. Trước đó, chưa bao giờ tôi phải làm việc này. Thuở ấy, nhà trường viết thư gửi cho các phụ huynh với đôi lời nhắn nhủ về việc chọn một trong hai ngoại ngữ, và nhất là chọn giữa hai chương trình học – cổ điển hay hiện đại. Đó là giai đoạn những năm 50 – 60 của thế kỉ trước.
Vào thời đó, ngay cả cha mẹ tôi cũng bối rối, bởi lẽ không ai trong gia đình tôi có ý niệm gì về ngôn ngữ thịnh hành trên thế giới. Còn về chương trình cổ điển thì nghe khá lạ tai, vì sẽ đặt trọng tâm vào tiếng La tinh, tiếng Hy Lạp cổ. Ông hiệu trưởng thì hết lời khuyến khích học sinh đi theo lộ trình cổ điển. Ông giải thích rằng các Kinh Thánh cần được hiểu tận gốc, các nền văn hoá Tây Âu cần được thấu triệt qua việc tham khảo và nghiên cứu các bài viết của những tác giả ngàn xưa, như Xô-cờ-rát (Socrates)(1) hay Pla-tông (Platon)(2), được cho là những tiền đề của nền triết học nhân loại.
Cha mẹ tôi vừa nghe thấy “hiểu tận gốc nền triết lí của nhân loại” thì thích lắm. Nhưng may mà cả hai đều không có tư duy áp đặt. Tôi thì không hiểu sao cứ nghe chữ “cổ” thì lại thấy chối tai. Ngoài ra, còn có một yếu tố giúp tôi lấy định hướng cho đời mình. Đó là tôi có ba người bạn thân học cùng lớp cứ rủ tôi nghe nhạc Mỹ của En-vít-xờ Prét-xờ-li (Elvis Presley)(3) và Pôn An-ka (Paul Anka)(4). Ba anh nghe loại nhạc này vừa nháy mắt ------------------------------ (1), (2) Xô-cờ-rát (470 – 399 trước Công nguyên), Pla-tông (427 – 347 trước Công nguyên): hai triết gia nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại, được coi là những người đặt nền móng cho triết học phương Tây. (3) En-vít-xờ Prét-xờ-li được coi là một trong những biểu tượng âm nhạc của thế kỉ XX. (4) Pôn An-ka: sinh năm 1941, là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng người Ca-na-đa (Canada). |
(Trang 108)
thưởng thức, vừa đứng ngồi không yên. Chỉ có chút ngôn ngữ cơ thể thế thôi đã làm trái tim của tôi nghiêng hẳn sang phía hiện đại. Nhiều khi chuyện đời nào cũng nghiêng sang một bên do ảnh hưởng của những yếu tố kì lạ, nhẹ nhõm và khó giải thích. Và đó là trường hợp của tôi, thời thiếu niên. Trong cuộc thương thuyết với cha mẹ, đề tài chọn nghề cũng xuất hiện đột ngột vào đúng lúc tôi chưa được cầm một xu tiền mặt nào. Hơn nữa, tôi cũng chưa có ý niệm sau này phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống nói chi đến chọn nghề. Cha tôi thì thích ngành kiến trúc. Mẹ tôi thì thích nghề bác sĩ. Và cuối cùng hai người đã hướng ý thích của tôi vào lộ trình công chức, một hướng đi quá an toàn cho tôi, và cả cho mẹ tôi, bởi vì bà nghĩ như thế thì con trai bà sẽ không bao giờ ra khỏi vòng tay mình. Còn đối với cha tôi, chữ “công chức” có lẽ còn hàm nghĩa, con trai ông sẽ tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn. [...] Đó là những lựa chọn đầu tiên trong cuộc đời tôi. Nó khởi đầu cho một chuỗi dài những quyết định sau này, đôi khi còn khó đưa ra hơn rất nhiều. [...] Cuộc đời của mỗi chúng ta có thể ví như một con đường với hàng ngàn khúc quanh, đến khúc quanh nào chúng ta cũng bắt buộc phải có những lựa chọn. Chọn hướng đi, chọn phương án, chọn kẻ đồng hành, chọn những trang bị, chọn thời điểm hành động. Rất nhiều khi chúng ta không có quyền lựa chọn, hoặc không biết lựa chọn. Nhưng rồi cuối cùng chúng ta cũng bắt buộc phải bước tiếp. Đôi khi không biết đi đâu nhưng cũng vẫn đi, giấc mơ tiến tới tương lai mạnh đến mức trở thành ám ảnh, cho dù tương lai còn mù mờ. Cuộc đời dù là tiến hay lùi, vẫn phải tiếp tục bước đi.
*** Cá nhân tôi trong suốt bấy nhiêu năm toàn gặp những tình huống lạ kì. Nhiều lần như thế, lần nào cũng vậy: phải đưa ra một quyết định, phải lựa chọn, và sau đó mọi việc tiếp diễn như không cần tới mình. Mỗi lần mình tìm giải pháp, tìm hướng đi là một lần số mệnh đẩy mình đi vào một lộ trình không muốn, mà mình chẳng biết trước tốt hay xấu. Tôi sang Pháp năm mười bảy tuổi, chẳng chọn đi, mà cũng chẳng chọn Pháp. Tôi tốt nghiệp kĩ sư, mà nghĩ lại cho cùng thì mình chưa bao giờ mơ làm kĩ sư, hoạ may làm bác sĩ hay kiến trúc sư như bố mẹ tôi từng mong mỏi. [...] Tôi cũng chưa bao giờ mơ đến quyền lực, nhưng rồi cuộc đời nghề nghiệp đã đưa tôi vào những vị trí quyền lực trên cả năm châu. Một chuyện lạ khác, tuy tôi là kĩ sư cầu đường, nhưng chưa bao giờ tôi thiết kế cây cầu hay xây dựng một con đường nào cho ai đi. Tôi đã làm tư vấn về kinh tế và đã dạy kinh tế trong trường đại học nhưng
|
(Trang 109)
chưa bao giờ học kinh tế. Tôi đã làm chuyên gia quy hoạch vùng và chỉnh trang lãnh thổ, một môn hoàn toàn xa lạ. Tôi đã làm nghề buôn bán những nhà máy điện khổng lồ tuy chưa bao giờ học về điện lực. Tôi đã lãnh đạo doanh nghiệp đường sắt, mê-trô và cao tốc trong khi trước đó tôi chưa có chút ý niệm gì về kĩ nghệ giao thông. Tôi đã chủ trì một tập đoàn làm nghề lọc nước và phân phối nước lọc cho các đô thị từ nước sông trong khi tôi chưa bao giờ bước chân vào môn hoá. Chưa hết, tôi sinh ra làm người Việt nhưng suốt cuộc đời nghề nghiệp lại tại vị ở nước ngoài. Nắm vững tiếng Pháp thì cuộc đòi lại đưa đẩy tôi sang làm việc ở xứ nói tiếng Anh, thậm chí tiếng Bồ Đào Nha. ***
[...] Vào mỗi khúc quanh của cuộc đời mình, tôi đã tìm đường để rồi chẳng thấy. Suốt cuộc đời tôi đã mầy mò, giống như người khiếm thị lại phải đi trong cảnh sương mù. Nhưng rồi mãi tới lúc cao tuổi, tôi mới hiểu được rằng chẳng bao giờ mình sẽ tới, vì cuộc đời, trên bản chất, phải là một hành trình dài vô tận. Đi đường nào rồi cũng có thể thành công, chọn lối nào rồi cũng có khả năng đạt hạnh phúc, vì hạnh phúc và thành công không tuỳ thuộc vào con đường chúng ta đi, mà vào tâm trạng tự tại của chúng ta, cũng như vào những giá trị mà chúng ta gieo ngay trên những nẻo đường đã đi qua. *** [...] Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm. Làm việc gì cũng được, đi đâu cũng đặng nếu mỗi chúng ta không quên mình là một thành phần của xã hội, đóng góp nhiều thì xã hội sẽ cho lại chúng ta nhiều. Và “nhiều” không có nghĩa là số lượng, mà là tình cảm đậm đà, giá trị bền vững. Hạnh phúc ở đâu, nay tôi đã biết. Những hạnh phúc nhỏ thì nằm trên mỗi bước đi, nhưng hạnh phúc bền vững là thứ hạnh phúc lấy gốc từ sự trải nghiệm, từ sự từ bi chấp nhận, từ tinh thần tích cực mà mình luôn luôn có.
Suốt cuộc đời tìm đường, tôi đã tìm thấy sức mạnh của mình trong những thử thách vô cùng gian nan. Tôi đã tìm thấy tình yêu khi trao trọn trái tim. Tôi đã tìm được quyền thế bằng cách sống mẫu mực, khiêm tốn. Tôi đã tìm thấy hạnh phúc khi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người xung quanh. Tôi đã tìm được sự no ấm khi miệt mài tạo ra giá trị cho xã hội. Và may mắn thay, tôi đã tìm được chính mình bằng cách tặng trọn bản thân cho xã hội. Cứ cho đi thì mới thấy được thứ mình đi tìm. (Theo Phan Văn Trường, Một đời như kẻ tìm đường, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr. 19 – 23, 34, 406) |
(Trang 110)
Phan Văn Trường sinh năm 1946, quê ở tỉnh Hải Dương, từng là lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, hai lần được Tổng thống Pháp phong tước Hiệp sĩ. Năm 2009, ông được Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng kỉ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Các cuốn sách đã xuất bản của ông gồm có: Một đời thương thuyết (2014), Một đời quản trị (2017), Một đời như kẻ tìm đường (2019).
Một đời như kẻ tìm đường được trích trong cuốn sách cùng tên của tác giả Phan Văn Trường. Cuốn sách là sự đúc kết những trải nghiệm phong phú của một người đã đi khắp thế giới, kinh qua rất nhiều vị trí nghề nghiệp, am hiểu cả văn hoá phương Đông và phương Tây và đặc biệt luôn có tinh thần tận hiến. Cuốn sách cũng là lời nhắn nhủ tha thiết và đầy tin yêu của ông dành cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Trả lời câu hỏi
1. Theo bạn, mục đích của bài viết này là gì?
2. Xác định quan điểm chính của tác giả trong bài viết này. Quan điểm ấy đã được triển khai qua hệ thống lí lẽ và bằng chứng như thế nào?
3. Chỉ ra các yếu tố tự sự, biểu cảm và phân tích tác dụng của chúng trong văn bản.
4. Nhan đề của bài viết là Một đời như kẻ tìm đường. Nhưng trong bài viết, tác giả lại nói: “Cả cuộc đời tìm đường để rồi mãi tới lúc xế chiều tôi mới khám phá ra chẳng có đường để tìm". Liệu tác giả có tự mâu thuẫn với chính mình hay không? Phải chăng việc tìm đường là một việc không có nhiều ý nghĩa?
5. Hãy nêu một luận điểm trong bài viết trên mà bạn thấy tâm đắc hoặc còn băn khoăn. Lí do nào khiến bạn thấy luận điểm ấy thuyết phục mình hay làm bạn muốn đối thoại với tác giả?
6. Từ bài thơ Con đường không chọn và bài viết Một đời như kẻ tìm đường, bạn suy nghĩ gì về những lựa chọn của mỗi người trong cuộc sống?
Kết nối đọc – viết
Theo bạn, thành công và hạnh phúc phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta hay vào những may rủi ngẫu nhiên trong cuộc đời? Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) thể hiện quan điểm của bạn về vấn đề này.
(Trang 111)
Thực hành tiếng Việt
Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ (tiếp theo)
1. Quan sát sơ đồ sau và chỉ ra tác dụng của các phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong sơ đồ:
TÔI CỦA TƯƠNG LAI | Tài chính | 10 Năm | 15 Năm | |
Mua nhà riêng | Có tài khoản tiết kiệm 2 tỉ đồng | |||
Sở thích | 5 Năm | 10 Năm | 15 Năm | |
Chơi giỏi bóng rổ | Du lịch thế giới | Vẽ tranh | ||
Cống hiến | 5 Năm | 10 Năm | 15 Năm | |
Tham gia từ thiện | Lập quỹ từ thiện gia đình | Tổ chức chương trình từ thiện | ||
Công việc | 5 Năm | 10 Năm | 15 Năm | |
Đỗ Đại học Bách Khoa | Làm kĩ sư phần mềm | Mở công ti công nghệ | ||
Gia đình | 10 Năm | 15 Năm | ||
Kết hôn | Sinh hai con |
2. Tưởng tượng về cuộc sống của bạn trong 30 – 40 năm tới và trực quan hoá những tưởng tượng đó bằng các phương tiện phi ngôn ngữ.
Gợi ý:
– Xác định các thông tin cần trình bày (mục đích của bạn trong cuộc đời, những thời điểm quan trọng và những điều bạn đạt được ở mỗi thời điểm, những lựa chọn và ngã rẽ,... ).
– Xác định loại biểu đồ, sơ đồ phù hợp để biểu đạt thông tin.
– Sử dụng các hình ảnh, màu sắc, đường nét, số liệu,... để cụ thể hoá, trực quan hoá các thông tin.
3. Thiết kế một biểu đồ hoặc sơ đồ dựa trên các thông tin trong đoạn trích sau:
Một giọt mưa chứa thông tin về sự hiện diện của một đám mây trên trời; một tia sáng chứa thông tin về màu sắc của chất đã gửi nó đến mắt ta, một cái đồng hồ có thông tin về thời gian trong ngày; gió mang thông tin về một trận bão đang ập đến; virus cảm lạnh có thông tin về tính dễ tổn thương của cái mũi tôi; DNA trong tế bào chúng ta chứa tất cả thông tin về mã di truyền của chúng ta (về cái đã làm cho tôi giống với cha của mình); và não của tôi tràn ngập những thông tin được tích luỹ từ trải nghiệm của tôi.
(Các-lô Rô-ve-li, Về chính chúng ta)
Gợi ý:
– Xác định mục đích giao tiếp.
– Lựa chọn các thông tin cần trực quan hoá thành biểu đồ, sơ đồ.
– Lựa chọn loại biểu đồ, sơ đồ phù hợp.
(Trang 112)
Một số loại biểu đồ, sơ đồ
Biểu đồ tròn Biểu đồ cơ cấu dân số theo thành phần dân tộc ở tỉnh Yên Bái năm 2019 (Theo Niên giám thống kê tỉnh Yên Bái 2019) |
|
Trước Công nguyên | Chúa Giê-su ra đời | Công nguyên | ||
2000 | 1000 | 1 | 1000 | 2000 |
Sơ đồ cách tính thời gian theo Công lịch
Sơ đồ Venn Sơ đồ Ikigai | Sơ đồ cây
Sơ đồ Ngữ hệ Nam Á |