(Trang 66)
Thảo luận về một vấn đề văn học có ý kiến khác nhau
Yêu cầu • Nêu được vấn đề văn học có những ý kiến khác nhau. • Phân tích được ưu điểm và nhược điểm của những ý kiến khác nhau về vấn đề. • Trình bày được quan điểm của bản thân về vấn đề, làm rõ sự tương đồng và khác biệt giữa ý kiến của bản thân với các ý kiến đã có. • Tạo được sự đồng thuận tích cực giữa bản thân với những người tham gia thảo luận. |
Chuẩn bị thảo luận
Chuẩn bị nói
Lựa chọn đề tài
Trước một tác phẩm truyện, sự đánh giá của người đọc về các khía cạnh nội dung hoặc hình thức nghệ thuật thường khác nhau. Vì thế, có thể nêu vấn đề từ các văn bản đọc trong bài học này, hoặc đọc lại truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân (Bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể) và bài phân tích của Nguyễn Đăng Mạnh ở phần Viết để chọn đề tài thảo luận. Có thể tham khảo một số vấn đề có những ý kiến khác nhau sau:
– Truyện ngắn không có cốt truyện li kì, hấp dẫn có thể là một truyện hay được không?
– Để hiểu đúng nhân vật Huấn Cao, có nhất thiết phải biết tường tận về Cao Bá Quát – một nhân vật lịch sử được Nguyễn Tuân chọn làm nguyên mẫu?
(Trang 67)
– Quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có thực sự là một người quyền uy, tự do?
Tìm ý và sắp xếp ý
Trước một vấn đề văn học có những ý kiến khác nhau, phải tự xác định cho mình một cách hiểu, cách lí giải. Muốn tạo ra tiếng nói chung qua cuộc thảo luận, mỗi người nói cần nêu được các ý xác đáng, thuyết phục, có lí lẽ sắc bén và bằng chứng tiêu biểu. Để tìm ý, nên tự đặt ra các câu hỏi, chẳng hạn: Bản chất vấn đề là gì? Đâu là chỗ gây ra những cách hiểu khác nhau? Có những cách lí giải khác nhau như thế nào về vấn đề này? Cách hiểu nào là có cơ sở? Những lí lẽ và bằng chứng nào củng cố cho cách hiểu ấy? Khi đã có các ý, sắp xếp chúng lại thành hệ thống chặt chẽ.
Xác định từ ngữ then chốt
Đề thảo luận về vấn đề văn học có những ý kiến khác nhau, có thể sử dụng một số từ ngữ sau: mặc dù... nhưng...; về vấn đề này, theo ý tôi; từ góc nhìn khác, ta có thể thấy; có thể khẳng định;..
Chuẩn bị nghe
– Tìm hiểu các thông tin cần thiết xung quanh vấn đề nêu ra để thảo luận.
– Ghi vắn tắt ý kiến của bản thân về vấn đề thảo luận.
– Sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng đi đến cách hiểu thoả đáng về vấn đề.
Thảo luận
Người nói | Người nghe |
– Nêu sự hưởng ứng đối với đề tài của cuộc thảo luận. – Tóm tắt và đánh giá các ý kiến đã có về vấn đề; nêu cách nhìn nhận riêng của mình và làm rõ căn cứ của cách nhìn nhận đó. – Tóm tắt lại ý kiến của bản thân, nêu những điểm cần được đồng thuận, nhấn mạnh sự bổ ích của cuộc thảo luận,... | – Nghe trên tinh thần sẵn sàng đưa ra ý kiến hồi đáp của mình để thúc đẩy cuộc thảo luận đạt kết quả tích cực. – Ghi vắn tắt những điểm cần tranh luận với người nói. |
– Với tư cách người nói, bạn hãy tự đánh giá về ý kiến tham gia thảo luận của mình và chia sẻ với người nghe về những thuận lợi, khó khăn khi nêu ý kiến đó.
– Với tư cách người nghe, bạn phải nêu và phân tích được ưu, nhược điểm của các ý kiến tham gia thảo luận.
(Trang 68)
– Để có thể tự đánh giá và đánh giá một cách chính xác về ý kiến thảo luận, cần chú ý các nội dung được nêu trong bảng sau:
STT | Nội dung đánh giá | Kết quả | |
Đạt | Chưa đạt | ||
1 | Nêu được vấn đề văn học có các ý kiến đánh giá khác nhau để thảo luận. | ||
2 | Thể hiện được quan điểm nhìn nhận về vấn đề văn học một cách rõ ràng. | ||
3 | Nắm bắt được chính xác những ý kiến đánh giá khác về vấn đề văn học. | ||
4 | Xác định được những điểm có sự đồng thuận giữa các ý kiến. | ||
5 | Gợi mở được những vấn đề mới cần tìm hiểu tiếp. | ||
6 | Tạo được không khí đối thoại thỏai mái, bình đẳng. |