SGKVN

Ngữ văn 10 - Tập 2 - Đọc | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Đọc - Ngữ văn 10 - Tập 2. Xem chi tiết nội dung bài Đọc và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ văn 10 - Tập 2 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 73)

Yêu cầu cần đạt

• Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản thông tin, cách đặt nhan đề của tác giả; nhận biết được mục đích của người viết; biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin.

• Nhận biết được một số dạng văn bản thông tin có sự lồng ghép giữa thuyết minh với một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận và giải thích được mục đích của sự lồng ghép đó; nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa phương tiện ngôn ngữ với phương tiện phi ngôn ngữ.

• Phân tích, đánh giá được cách đưa tin và quan điểm của người viết ở một bản tin.

• Viết được bản nội quy hoặc bản hướng dẫn nơi công cộng.

• Biết thảo luận về văn bản nội quy hay văn bản hướng dẫn nơi công cộng đã viết.

• Biết coi trọng giá trị của thông tin, không ngừng mở mang hiểu biết về đời sống xung quanh.

TRI THỨC NGỮ VĂN

Đặc trưng của văn bản thông tin

Văn bản thông tin là loại văn bản chủ yếu dùng để cung cấp thông tin. Trong đời sống, có nhiều loại văn bản thông tin khác nhau như: báo cáo, bản tin, thông báo, thư từ, diễn văn, tiểu luận,...

Để đảm bảo tính chính xác, khách quan, văn bản thông tin thường dẫn tên người, địa điểm, thời gian, số liệu xác thực, có thể kiểm chứng được. Ngôn ngữ trong văn bản thông tin sáng rõ, đơn nghĩa. Việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ như hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ,... góp phần giúp cho người đọc dễ tiếp nhận và ghi nhớ thông tin.

Để tăng thêm hiệu quả tác động đối với người đọc, đôi khi văn bản thông tin lồng ghép thông tin với một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận. Tuy vậy, việc lồng ghép những yếu tố này phải đảm bảo không được làm mất đi tính chính xác, khách quan của văn bản thông tin.

(Trang 74)

Bản tin

Bản tin là một loại văn bản thông tin. Nội dung của bản tin là các sự kiện cập nhật, có thể thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người và tạo được sức tác động xã hội. Thông tin trong bản tin cần mang tính xác thực cao. Ngôn ngữ trong bản tin thường ngắn gọn, sáng rõ, đơn giản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, để gây ấn tượng mạnh với công chúng, người viết có thể sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ,...

Tuy bản tin hướng đến việc cung cấp thông tin khách quan nhưng nó vẫn cho phép người viết thể hiện quan điểm của mình đối với sự kiện, con người, hiện tượng được đề cập, với điều kiện quan điểm của người viết không làm thay đổi bản chất của những thông tin được cung cấp.

Để đánh giá được cách đưa tin và quan điểm của người viết ở một bản tin, người đọc cần trả lời các câu hỏi: Tác giả bản tin là ai? Lập trường, thái độ của người viết là gì? Các nhân vật, sự kiện, số liệu,... trong bản tin được sắp xếp theo trình tự nào? Vì sao tác giả lại lựa chọn cách sắp xếp đó? Những thông tin được cung cấp trong văn bản có thể kiểm chứng được không, có đáng tin cậy không?... Những câu hỏi này sẽ giúp người đọc có thể tiếp nhận thông tin một cách chủ động, tỉnh táo, từ đó xác lập cho mình một quan điểm, cách nhìn nhận đúng đắn về thực tại đời sống.

Văn bản nội quy, văn bản hướng dẫn nơi công cộng

Văn bản nội quy, văn bản hướng dẫn nơi công cộng thường xuất hiện ở những không gian như bảo tàng, di tích, trường học, thư viện,... giúp người đọc có thể hiểu rõ các yêu cầu, quy định cần được tuân thủ, từ đó có những hành vi đúng đắn, phù hợp.

Văn bản nội quy, văn bản hướng dẫn nơi công cộng có cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc, ngôn ngữ khách quan, chính xác, rõ ràng, dễ hiểu.

Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ

Mỗi loại phương tiện phi ngôn ngữ có chức năng biểu đạt nghĩa khác nhau. Các số liệu thường được sử dụng để cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác. Các đường nối giữa các hình vẽ thường được dùng để biểu đạt mối quan hệ giữa các thông tin. Các biểu đồ, sơ đồ giúp trình bày thông tin một cách hệ thống. Các hình ảnh làm tăng tính hấp dẫn và trực quan của thông tin,... Tuỳ theo mục đích sử dụng mà người viết lựa chọn loại phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp.

(Trang 75)

VĂN BẢN 1

Sự sống và cái chết

(Trích Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao)

--------------------

Trịnh Xuân Thuận

--------------------

Khi quan sát những biểu hiện cụ thể của sự sống trên Trái Đất, điều gì đã khiến bạn suy nghĩ, băn khoăn hoặc tò mò?


1 Lịch sử sự sống trên Trái Đất diễn ra đồng thời theo hai hướng dọc và ngang. Hướng dọc được thể hiện bằng sự phức tạp ngày càng tăng theo tuổi Trái Đất (cơ thể con người phức tạp hơn rất nhiều so với một vi khuẩn đơn bào). Hướng ngang được thể hiện bởi sự đa dạng đáng kinh ngạc của sự sống và sự đa dạng hoá ngày càng lớn của các loài theo thời gian.

Dự đoán nội dung cụ thể sẽ được triển khai trong bài viết qua nhan đề và đoạn 1.

2 Chúng ta hãy về thăm Trái Đất cách đây 3 tỉ năm: các bạn sẽ chỉ gặp các vi khuẩn và vi khuẩn cổ sinh. Các sinh vật lúc đó chưa tiến hoá nhiều và cũng chưa đa dạng. Ngược trở lại 500 triệu năm: bạn vẫn thấy hai dạng vi khuẩn, nhưng bạn cũng còn thấy vô số tảo, bọt biển, rêu và nấm, một ít sâu bọ, bọ ba thuỳ, tôm, cua và động vật nhuyễn thể. Du hành ngược về 140 triệu năm, thì toàn bộ thế giới nhỏ bé này vẫn ở đó để đón tiếp bạn (trừ loài bọ ba thuỳ), nhưng hơn thế, các bạn còn được chiêm ngưỡng cảnh tượng đa sắc của hoa và những cánh bướm tung tăng, được nghe tiếng vo ve của ong, tiếng chim hót ru, thích thú với sự phát triển của các loại cá trong biển, và loáng thoáng thấy những động vật có vú nhỏ nhoi len lỏi trong rừng rậm. Nhưng khủng long ăn thịt và thằn lằn tiền sử lảng vảng trong khung cảnh sẽ làm bạn sợ cứng người.

Việc tác giả tưởng tượng ra một chuyến “du hành” ngược thời gian có ý nghĩa gì?

3 Sự xuất hiện của các dạng động vật mới có khả năng thích nghi hơn không nhất thiết đồng nghĩa với sự đào thải các dạng kém tiến hoá hơn. Tất cả đều có chỗ cho mình. Bên cạnh các sinh vật đơn bào như trùng đế giày và các loại động vật nguyên sinh khác, còn có các động vật đa bào như nhím biển và sứa, chim đại bàng và chim hoạ mi, chuột và con người.

(Trang 76)

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là một loài nào đó, khi đã sinh ra, sẽ tồn tại mãi mãi. Một số cành hoặc nhánh của cây đời sẽ bị cắt cụt, và có những loài bị tuyệt chủng hoàn toàn. Chẳng hạn, loài bọ ba thuỳ đã không chống chọi được cái lạnh khủng khiếp bao trùm Trái Đất vào cuối kỉ Péc-mi (Permi)(1), và một tiểu hành tinh điên rồ đến đâm vào Trái Đất cách đây 65 triệu năm đã kết liễu loài khủng long. Sự tuyệt chủng này đã giải phóng các ổ sinh thái để chúng nhanh chóng được các loài khác chiếm giữ.

Chú ý những thuật ngữ chuyên ngành sinh học được sử dụng trong các đoạn 3, 4 và tác dụng của chúng.

4 Các loài tiến hoá và tự hoàn thiện dần bởi vì chúng phải đấu tranh để sinh tồn và bởi vì cái chết đang chờ chúng ở cuối con đường. Cái chết cho phép sự sống tiến lên. Nó là một phần không thể tách rời của sự sống. Nó nằm trong trật tự của vạn vật. Gần như lúc nào cũng vậy, trước cái chết và sự đe doạ tuyệt chủng, sự sống đã chứng tỏ một sức đề kháng mãnh liệt và bật dậy bằng cách thể hiện một sức sáng tạo mới để tìm lời giải cho các vấn đề gặp phải. Tình hình hoàn toàn khác với các vật vô sinh: sở dĩ các hạt cơ bản và các nguyên tử không tiến hoá, chính là bởi vì chúng không cần đấu tranh sinh tồn, vì chúng không bị đe doạ tuyệt chủng, và bởi vì chúng không phải tuân theo chọn lọc tự nhiên. Một hạt ánh sáng được tạo ra 300 000 năm sau Bích Beng (Big Bang)(2) có chính xác các đặc điểm của một hạt ánh sáng sinh ra ngày nay, 13,7 tỉ năm sau vụ nổ khởi thuỷ.

(Trịnh Xuân Thuận, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, NXB Tri thức, Hà Nội, 2017, tr. 591 – 592)

---------------------------

(1) Kỉ Péc-mi: một kì địa chất, kì cuối cùng của đại Cổ sinh.

(2) Bích Beng: Vụ Nổ lớn, được xem là dấu mốc cho sự hình thành vũ trụ.

(Trang 77)

Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, là nhà vật lí học thiên văn người Mỹ gốc Việt, hiện đang là giáo sư của Đại học Vơ-gin-ni-a (Virginia). Ông đồng thời là nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động vì môi trường và hoà bình. Những cuốn sách nổi tiếng về thiên văn học của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới như: Số phận của vũ trụBích Beng và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hoà (1998), Những con đường của ánh sáng (2007), Vũ trụ và hoa sen (2011),...

Văn bản Sự sống và cái chết được trích trong cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, một cuốn từ điển đặc biệt không chỉ giải thích từ ngữ và cung cấp các thông tin khoa học về vũ trụ, mà còn giúp người đọc khám phá vẻ đẹp kì diệu của sự sống, suy ngẫm về nguồn gốc và vị trí của con người trong vũ trụ, phát hiện ra mối quan hệ giữa khoa học và cái đẹp, khoa học và thi ca. Bằng ngôn từ chính xác, giản dị mà trong sáng và đầy chất thơ, tác giả đã khiến cho những vấn đề khoa học trở nên gần gũi và hấp dẫn với người đọc.

Trả lời câu hỏi

1. Văn bản Sự sống và cái chết viết về đề tài gì? Từ việc liên hệ tới những văn bản khác cùng đề cập đề tài này mà bạn đã đọc, hãy cho biết góc độ tiếp cận vấn đề riêng của tác giả.

2. Tóm tắt những thông tin chính trong văn bản và chỉ ra cách tác giả sắp xếp, tổ chức các thông tin đó.

3. Dựa vào nội dung văn bản, vẽ sơ đồ mô tả quá trình phát triển của sự sống trên Trái Đất.

4. Văn bản đưa lại cho bạn hiểu biết gì về mối quan hệ giữa “đấu tranh sinh tồn" và “tiến hoá", giữa "sự sống" và "cái chết"?

5. Ngoài việc biết thêm các thông tin khoa học về Trái Đất, bạn còn nhận được những thông điệp gì từ văn bản Sự sống và cái chết? Trình bày suy nghĩ của bạn về những thông điệp đó.

6. Những đặc trưng của loại văn bản thông tin đã được thể hiện như thế nào trong văn bản này? Các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm hoặc nghị luận đã được phối hợp sử dụng như thế nào và tạo được hiệu quả ra sao?

7. Có thể đổi nhan đề của văn bản thành Sự sống và cái chết của các loài sinh vật trên Trái Đất được không? Vì sao?

8. Vấn đề tác giả đặt ra trong văn bản này đã tác động như thế nào đến nhận thức của bạn về cuộc sống?

Kết nối đọc – viết

Thu thập thông tin về một loài sinh vật mà bạn muốn tìm hiểu. Trình bày thông tin đó bằng một đoạn văn (khoảng 150 chữ).

(Trang 78)

VĂN BẢN 2

Nghệ thuật truyền thống của người Việt(*)

(Trích Văn minh Việt Nam)

---------------------

Nguyễn Văn Huyên

---------------------

• Bạn đã biết gì về nghệ thuật truyền thống của người Việt? Hãy nêu cảm nhận về một phương diện nào đó trong gia sản tinh thần vô giá này mà bạn thấy hứng thú.

• Trong xu thế giao lưu quốc tế mở rộng hôm nay, bạn nghĩ như thế nào về sự tồn tại của những giá trị vốn được truyền lại từ bao đời?

Thông tin chính được nêu ở câu chủ đề của đoạn văn là gì?

Ở Việt Nam, nghệ thuật, hơn những lĩnh vực khác, là biểu hiện sâu sắc nhất của tâm tính nhân dân. Như ta đã thấy ở sự phát triển văn học, dân tộc này có khiếu thưởng thức cái thanh và cái đẹp, biết biểu lộ một thị hiếu vững vàng và không phải là không sâu sắc về phương diện nghệ thuật. Linh mục Ca-đi-e-rơ (Cadiere)(1) viết rằng: các ngôi chùa nhỏ bé của họ, những căn nhà thấp và tối của họ đều được trang trí cẩn thận. Nóc nhà, cột cổng, bình phong đều được trang trí với những màu sắc tuơi tắn, nhiều khi sặc sỡ nhưng hài hoà với các màu sắc của phong cảnh, với sự rực rỡ của ánh sáng. Trong nhà, các cây cột được kiên trì đánh bóng lóng lánh trong màu sắc tự nhiên của nó, hay rực sáng bởi sơn mài và vàng; vách, cửa, dầm nhà, đồ gỗ được chạm những đường lượn tinh vi, những cành lá nhẹ nhàng, hay được xoi lộng(2) cẩn thận; những món đồ mĩ nghệ nhỏ tinh tế và quý giá, được bày trên bàn hay được cất cẩn thận trong rương hòm của gia đình. Người Việt Nam biết tạo một dáng vẻ thẩm mĩ cho những đồ vật thông thường nhất bằng kim loại, gỗ hay tre, tô điểm cho chúng bằng những thứ trang trí, biến chúng thành một cái gì đó còn hơn là một đồ dùng. Đặc biệt đồ nữ trang được chế tác với một sự tinh tế và đa dạng vô song.

Chú ý những cứ liệu được sử dụng để đưa ra nhận định về khiếu thẩm mĩ của người Việt.

---------------------------

(*) Nhan đề đoạn trích do người biên soạn sách giáo khoa đặt.

(1) Linh mục Ca-đi-e-rơ: tên đầy đủ là Lê-ô-pôn Mi-sen Ca-đi-e-rơ (Léopold Michel Cadiere, 1869 – 1955), giáo sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, văn hoá học người Pháp, đồng tác giả của tập san Đô thành hiếu cổ – một trong số những tài liệu mà Nguyễn Văn Huyên đã khai thác để viết cuốn Văn minh Việt Nam.

(2) Xoi lộng: một kĩ thuật chế tác đồ gỗ, dùng bào nhỏ hoặc đục để tạo đường rãnh trên mặt gỗ hay làm thủng nền gỗ nhằm làm nổi bật những hình khắc trang trí.

(Trang 79)

Những yếu tố đã ảnh hưởng đến nghệ thuật Việt?

Nghệ thuật Việt trước hết mang tính chất tôn giáo. Nó phản ánh rõ nét những tín ngưỡng đa dạng của dân tộc. Đạo Phật, đạo Lão, với đám rước vô tận những thần thánh và ma quỷ đủ loại, là những yếu tố lớn thúc đẩy sự sáng tạo nghệ thuật phong phú của người Việt Nam. Trong nhiều thế kỉ, từ thế kỉ VII đến XIV, Việt Nam chịu ảnh hưởng của đạo Phật đương lúc thắng thế, như ta thấy, đã vừa tạo ra nhiều tông phái cùng những tác phẩm văn học vô giá, vừa làm nảy ra từ lòng đất nước này vô số công trình kiến trúc. Sự pha trộn của ba học thuyết tôn giáo, gọi là tam giáo, được kiểm soát bởi các khoa thi do nhà nước tổ chức, đã là ngọn nguồn của hầu hết các mô típ trang trí.

Mặt khác, sự thống nhất văn hoá, do sự giảng dạy áp đặt lâu dài những kinh sách Nho giáo, đã tạo nên ở một mặt nào đó của nghệ thuật Việt, bên cạnh tính vĩnh cửu của hình thức và đề tài, là một vẻ uy nghi xứng đáng với địa vị đứng đầu của đấng thiên tử và của các bậc đại hiền túc nho, nguyên là những người đề xướng mọi quy tắc chính trị. Để thoả mãn sự kiêu hãnh của các vua chúa cùng những đại thần xuất thân từ hàng Nho sĩ, để làm cho tên tuổi họ thành bất tử, những cung điện đẹp đẽ, những lăng mộ xinh xắn, những vườn hoa phong phú cùng những tấm bia tinh tế đã được xây dựng. Vì nhu cầu thờ cúng chính thức, người ta đã xây cất những đền chùa uy nghiêm, chế tạo những vật dụng với một thị hiếu tinh vi.

Điều gì đã ảnh hưởng đến việc bảo tồn các di sản nghệ thuật Việt?

Duy có một điều là các vật liệu sử dụng gỗ, tre, đất nung, đều không bền do khí hậu nhiệt đới tàn hại và do mối mọt. Các thứ kim loại, sắt, đồng kẽm, vàng bạc, cũng không sống sót nổi sau các cơn hoả hoạn, bất ổn chính trị và chiến tranh. Chẳng còn lại gì cho chúng ta từ các cung điện nổi tiếng đến việc bảo tồn các Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long Tây Đô, nếu không phải là những địa điểm mà trên đó những công trình khác đã được xây dựng bởi những bàn tay thành kính của nhân dân mà bấy nhiều cuộc biển dâu đã làm cho điêu đứng.

Tuy nhiên, các cung điện lộng lẫy ở Huế, các đền thờ Khổng Tử uy nghi tại Hà Nội, đền thờ các vua Lý ở Đình Bảng(1) với nhiều đồ vật tại đấy, các tấm bia Lam Sơn, các lăng tẩm ở Huế, pho tượng Trấn Vũ lớn bằng đồng ở Hà Nội, các ngôi chùa Phật Tích, Bút Tháp(2) thanh tao,... là những chứng cứ đáng tin cậy về đỉnh cao mà kĩ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam đã đạt đến.

-------------------------------

(1) Đình Bảng: nay là một phường thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

(2) Chùa Phật Tích, Bút Tháp: hai ngôi chùa nổi tiếng ở tỉnh Bắc Ninh.

(Trang 80)

Theo tác giả, thiên hướng sáng tạo nổi bật của nghệ thuật Việt là gì?

Người nghệ sĩ không có xu hướng tái hiện chính xác và đầy đủ hiện thực. Họ loại bỏ tính chất nhục dục khỏi các tác phẩm của mình [..]. Họ chẳng nhằm ca ngợi vẻ đẹp mong manh của những hình hài dễ bị hư nát. Đối với họ, người luôn luôn thực hiện công trình của mình trong một không khí siêu phàm, thì tinh thần là tất cả. Họ tìm cách làm toát ra và biểu hiện trong mọi tác phẩm cái tinh thần vô hình của mọi vật.

Một số cây cối và động vật có tính cách tượng trưng: con hạc và con nai thể hiện tuổi thọ, cây tre là đạo đức, cây mận là sức mạnh tinh thần và thể chất, cây cúc thể hiện hạnh phúc, v.v.

Trong tranh dân gian, nghệ thuật được quan niệm là sự cổ vũ lao động, đạo hiếu, đức hạnh. Ở các chùa chiền, ta thấy tái hiện những cảnh tra tấn của âm phủ; trong nhiều nhà, người ta treo tranh diễn tả cảnh sinh hoạt của học trò, nhà nông tiều phu và người đánh cá. Những gương con hiếu, tôi trung và bạn chung thuỷ được tái hiện dưới những hình thức cổ truyền.

Người Việt Nam không xử lí tất cả những mô típ này, như linh mục Ca-đi-e-rơ đã nói, với sự tự do của một nghệ sĩ đứng trước hiện thực, có thể nắm được hàng nghìn vẻ của sinh vật, và tận dụng được mọi lợi thế bất ngờ mà sự ngẫu nhiên hoặc việc chú trọng nghiên cứu mang lại cho họ. Tất cả những chủ đề mà họ làm nảy ra từ gỗ hay họ đổ khuôn đúc, đều được cách điệu hoá trong các tư thế, với những động tác ước lệ. Nhưng những nghệ sĩ có tài đã biết cách, trong những giới hạn đó, tạo cho các mô típ cổ truyền một sức mạnh bên trong và một chiều sâu làm cho tác phẩm của họ trở thành độc đáo.

***

Có thể nói, nghệ thuật Việt Nam tiêu biểu nhất vẫn là kiến trúc. Hoạ sĩ và nhà điêu khắc chỉ là người phụ trợ của kiến trúc sư. Nền kiến trúc này chủ yếu có tính chất tôn giáo. Đặc trưng của nó là hình khối và thể nằm ngang. Nó có xu hướng thể hiện cái vĩ đại, sự bí ẩn và không tách rời với sở thích về tính đều đặn, đối xứng.

Kiến trúc Việt có những đặc trưng gì? Đặc trưng đó được thể hiện cụ thể như thế nào?

Sơ đồ các đền chùa được quyết định bởi nhu cầu xây dựng và thờ cúng. Người ta phải dành ở đó những không gian rộng lớn cho đám đông công chúng có thể triển khai, cho đám rước xếp hàng và những bữa cỗ công cộng được bày trong các ngày Tết, lễ.

Sự nối tiếp nhau của các sân và cả toà nhà trước điện thờ thấp lè tè trong bóng râm, tạo ra cảm tưởng về con đường đưa tới nơi ở thiêng liêng của chư thần, hay con đường cứu nạn của chư Phật.

(Trang 81)

Ngoài ra, đền chùa được phủ bằng một sườn gỗ, có thể có kích thước lớn mà không sợ sụp đổ. Để chống đỡ nóc chính và để có chỗ rộng hơn, người ta thường dựng thêm các chái(1) . Mặt khác, đề phòng những trận gió mạnh cũng như cơn mưa trút nước, người ta làm những mái hạ(2) thấp lè tè thành một khối chắc khoẻ, đè nặng lên các cột. Vì thế, những cột này là phần được làm cẩn thận nhất của đền, chùa. Những mái đó chỉ được làm thanh nhẹ bớt ở các góc uốn cong, tạo ra cảm tưởng về sự vững chắc, khoẻ khoắn và thoải mái.

Bằng hệ thống vì kèo và thanh giằng, người ta dễ tăng thêm các chỗ thờ các vị thần thứ cấp(3) . Phải nói thêm rằng, để đáp ứng nhu cầu cần đặt cạnh nhau những tín ngưỡng khác nhau, người kiến trúc sư thường xây nhiều nhà song song.

Trong những đền, chùa này, gỗ và gạch tự phi vật chất hoá”. Tất cả đều được tinh thần hoá. Từ trong đó, những bàn tay nghệ sĩ đã làm nảy ra, trên các đầu cột và vì kèo cũng như xung quanh điện thờ, những mô típ nhiều vẻ của cây cối và động vật tượng trung.

[...] Kiến trúc mồ mả được đặc biệt làm cẩn thận ở xứ sở mà việc thờ cúng người chết rất được coi trọng. Mồ mả các quan to và người đứng đầu gia tộc lớn là những toà đền đài thật sự. Lăng mộ các vua bản triều, nối tiếp nhau trên hai bờ sông Hương, ở đông nam thành phố Huế, là những tổng thể xuất sắc các công trình xây dựng rải rác trong các vườn hoa được cách điệu hoa kiểu thẩm mĩ tuyệt vời.

***

Tất cả các nghệ thuật khác đều phụ thuộc vào kiến trúc. Môn nghệ thuật mà người Việt Nam thành công nhất là điêu khắc gỗ. Những pho tượng rất đẹp có từ thời Lê, như các tượng nhà sư ở Pháp Vũ tại Hà Đông(4), ở Thạch Lâm tại Thanh Hoá, được truyền lại đến chúng ta. Có những nghệ sĩ đã biết sáng tạo từ gỗ, ở chùa Tây Phương(5) tại tỉnh Sơn Tây, ở chùa Keo tại Thái Bình, ở chùa Bút Tháp tại Bắc Ninh, ở chùa Cói(6) tại Vĩnh Yên,.. những kiệt tác với phong cách tao nhã.

Nền điêu khắc Việt có những điểm gì đáng chú ý?

-------------------------------

(1) Chái: gian nhỏ lợp một mái tiếp vào đầu hồi, theo lối kiến trúc dân gian.

(2) Mái hạ: mái nhà được thiết kế thấp xuống.

(3) Các vị thần thứ cấp: các vị thần có vị trí ít quan trọng hơn so với những vị thần được thờ phụng chính trong một không gian tín ngưỡng nhất định (nghĩa trong văn bản).

(4) Hà Đông: nay thuộc thành phố Hà Nội.

(5) Chùa Tây Phương: nay thuộc địa phận huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

(6) Chùa Cói: nay thuộc địa phận thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

(Trang 82)

Đá, vì hiếm hoi ở Việt Nam, nên rất ít được người làm tượng sử dụng và thường chỉ giới hạn ở một vài hình ảnh thể hiện. Chẳng hạn như những tượng quan lại đứng làm hàng rào trước mộ các nhân vật lớn. Đá chủ yếu được dùng làm bia, bậc đi và tay vịn cầu thang ở các đền, chùa hay dinh thự lớn.

Nghệ thuật đúc đồng phát triển ở một số vùng của Việt Nam, ngay từ những thế kỉ đầu Công lịch(1). Bên cạnh các trống đồng tìm thấy trong những cuộc khai quật tại Bắc Kì và bắc Trung Kì(2), chứng tỏ nền văn minh rất cổ, có từ thời nhà Hán, còn có vô số vật khác, trong đó một số là những vật rất lớn như bồn vạc ở Huế, tượng Trấn Vũ của đền Quán Thánh ở Hà Nội [...]

(Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, Đỗ Trọng Quang dịch(*) , NXB Hội Nhà văn – Công ti Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2018, tr. 303 – 307)

Nguyễn Văn Huyên (1905 – 1975) quê ở huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, là nhà sử học, dân tộc học, nhà giáo dục. Thời thanh niên, ông du học ở Pháp. Năm 1934, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Xoóc-bon (Sorbonne), Pa-ri. Từ khi về nước vào năm 1935, ông dạy học, tham gia một số tổ chức nghiên cứu văn hoá và lịch sử, từng là Uỷ viên thường trực Trường Viễn Đông Bác cổ, Uỷ viên Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương, tham gia thành lập bộ môn Lịch sử văn minh Việt Nam tại Trường Đại học Luật Hà Nội,... Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ năm 1946 cho đến khi qua đời. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội năm 2000. Tác phẩm chính của ông: Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (1944), Văn minh Việt Nam (1944), Toàn tập Nguyễn Văn Huyên (2000),...

Văn minh Việt Nam là cuốn chuyên khảo viết bằng tiếng Pháp, hoàn thành từ năm 1939 nhưng phải đến năm 1944 mới được xuất bản tại Hà Nội, có thể xem là một phát ngôn đầy tinh thần tự tôn dân tộc của người Việt về văn hoá Việt trước cộng đồng thế giới. Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt năm 1996.

Văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt được trích từ phần 3, chương 12 của cuốn sách Văn minh Việt Nam, nguyên có nhan đề là Nghệ thuật.

-----------------------------

(*) Nhóm biên soạn đã hiệu chỉnh một số chỗ về diễn đạt, căn cứ vào nguyên văn tiếng Pháp của tác giả Nguyễn Văn Huyên.

(1) Công lịch: lịch được quốc tế dùng làm lịch chính thức, xác định năm bắt đầu là năm Chúa Giê-su (Jesus) ra đời.

(2) Bắc Kì, Trung Kì: tên gọi cũ của miền Bắc và miền Trung Việt Nam có từ triều vua Minh Mạng (thời Nguyễn) và được duy trì suốt thời Pháp thuộc.

(Trang 83)

Trả lời câu hỏi

1. Qua đọc văn bản và những thông tin được cung cấp ở phần giới thiệu tác phẩm, bạn hiểu như thế nào về mục đích viết của tác giả? Câu hay đoạn nào trong văn bản giúp bạn nhận rõ điều này?

2. Vẽ sơ đồ tóm tắt các thông tin chính của văn bản.

3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của những yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận được sử dụng trong văn bản.

4. Việc đưa thông tin về từng đối tượng cụ thể trong văn bản có điểm gì đáng chú ý? Nêu điều bạn có thể rút ra về cách triển khai thông tin trong văn bản thông tin.

5. Hãy nêu và phân tích một nhận xét mà bạn tâm đắc nhất trong văn bản. Vì sao bạn tâm đắc với nhận xét đó?

6. Đối chiếu những thông tin được học giả Nguyễn Văn Huyên trình bày trong văn bản với một tác phẩm mĩ thuật hay một công trình kiến trúc của Việt Nam mà bạn biết, từ đó, rút ra nhận xét về sự bảo lưu hay đổi mới những đặc điểm và tinh thần truyền thống ở tác phẩm hay công trình ấy.

Kết nối đọc – viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) tóm tắt những thông tin mà bạn cho là thú vị sau khi đọc văn bản Nghệ thuật truyền thống của người Việt.

(Trang 84)

VĂN BẢN 3

Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu

--------

Lê My

--------

• Bạn có hay theo dõi tin tức không? Bạn thường theo dõi tin tức trên những kênh truyền thông nào và quan tâm đến những gì khi tiếp nhận tin tức?

• Bạn biết gì về tầng ozone và đã bao giờ nghe về việc tầng ozone bị thủng?

Nhan đề và những thông tin trong phần sa-pô của văn bản có gì đáng chú ý?

Nếu đã lâu rồi bạn không nghe thấy tin tức gì về tầng ozone, đó là vì tình hình đang khá sáng sủa. Câu chuyện phục hồi và bảo vệ tầng ozone đã chứng tỏ rằng khi khoa học và quyết tâm chính trị hợp lực, thế giới có thể thay đổi vận mệnh của mình.

Năm 1985, các nhà khoa học khí quyển ở Nam Cực phát hiện một điều đáng lo ngại: tầng ozone đang trên đà biến mất trong vòng mấy mươi năm tới. Từ đây, cộng đồng quốc tế bắt đầu thảo luận và hành động – với một tốc độ chưa từng có.

Chỉ hai năm sau đó, vào ngày 16/9/1987, Nghị định thư(1) Mông-tơ-rê-an (Montreal) về các chất làm suy giảm tầng ozone được thông qua. Tua nhanh đến ngày hôm nay: tầng ozone đang trên đà hồi phục, trở thành phông nền xán lạn cho một câu chuyện đầy cảm hứng và nhiều bài học về nhân loại, gợi mở cho chúng ta những con đường để giải quyết các khủng hoảng môi trường khác.

Khoa học vào vai thám tử

Theo dõi thông tin về tầng ozone và vai trò của nó.

Tầng ozone nằm ở độ cao khoảng 15 – 40 km so với bề mặt Trái Đất, thuộc tầng bình lưu(2) và có vai trò như một lớp “kem chống nắng” che chắn cho hành tinh khỏi tia cực tím (UV). Nếu không có lá chắn này, ánh nắng mặt trời sẽ trở nên cực kì nguy hiểm với con người và hầu hết các loài động, thực vật. Đặc biệt, tia UV-B (thứ làm cho da bị cháy nắng) ở cường độ cao có thể dẫn đến nhiều loại ung thư.

--------------------------

(1) Nghị định thư: một loại điều ước quốc tế được kí kết giữa các quốc gia về một vấn đề nào đó liên quan đến kinh tế, chính trị, văn hoá,... Nghị định thư là văn kiện phụ của một hiệp định, cụ thể hoá những điểm chỉ được trình bày khái quát trong hiệp định và nêu lên phương thức và các biện pháp thi hành.

(2) Tầng bình lưu: một tầng của bầu khí quyển trên Trái Đất, nằm ở độ cao vào khoảng 16 – 50 km.

(Trang 85)

Vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu nhận thấy tầng ozone dường như đang mỏng đi, đặc biệt là xung quanh hai cục. Hai nhà nghiên cứu Ma-ri-ô Mô-li-nơ (Mario Molino) và Se-ri Rao-lân (Sherry Rowland) xác định được “nghi phạm” chính: các hợp chất nhân tạo chlorofluorocarbon (viết tắt là CFC).

Hợp chất CFC đầu tiên ra mắt thế giới vào năm 1930, được xem là hoá chất hoàn hảo: rẻ tiền, nhiều ứng dụng (chất đẩy trong bình xịt sơn, chất làm lạnh trong máy lạnh, tủ lạnh) và không tham gia phản ứng hoá học.

Chú ý thông tin về hợp chất CFC.

Dù biết CFC bay hơi và tích tụ trong bầu khí quyển nhưng người ta cho rằng chúng “trơ về mặt hoá học nên có sao đâu! Mô-li-nơ và Rao-lân đã khám phá ra một sự thật hoàn toàn trái ngược. Ở thượng tầng khí quyển, các phân tử khí CFC bị phân huỷ dưới tia UV. Sau đó, mỗi nguyên tử Cl tự do sẽ “cướp lấy” một nguyên tử O, khiến (khí ozone) nay chỉ còn là (khí oxygen), tức là “bào” lớp ozone.

Hai nhà khoa học Mô-li-nơ và Rao-lên đã phát hiện sự thật gì về chất CFC?

Nghiên cứu của Mô-li-nơ và Rao-lân được đăng trên tạp chí Nature(1) năm 1974, thúc đẩy nhiều tranh luận sôi nổi nhưng chưa thể thuyết phục các chính trị gia. Nhiều nhà nghiên cứu thì tin rằng sự suy giảm tầng ozone sẽ chỉ là vấn đề của lớp cháu chắt vài thế kỉ về sau.

Mãi đến năm 1985, thế giới mới giật mình hiểu ra rằng tầng ozone đang tan biến nhanh hơn họ tưởng. Kết quả đo đạc của nhà địa – vật lí Giô-dép Pha-mon (Joseph Farman) và các đồng nghiệp đã xác nhận một lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cục. Cần nhớ là về mặt kĩ thuật, tầng ozone không phải bị “thủng lỗ” như một mảnh vải - tại lỗ thủng vẫn tồn tại khí ozone nhưng nồng độ đã bị suy giảm đáng kể.

Trước đó, giới khoa học cho rằng quá trình phá vỡ ozone sẽ bị kìm hãm trong tự nhiên, bởi xét cho cùng CFC chỉ giải phóng một lượng ít nguyên tử Cl nếu so với sự bao la của cả bầu khí quyển.

Vậy điều gì đã khiến sự tổn hại thực tế lại lớn đến thế? Trong những năm tiếp theo, nhà hoá học khí quyển Xu-dần Xô-lơ-mơn (Susan Solomon) đã dẫn đầu các cuộc thám hiểm ở Nam Cực để tìm câu trả lời. Nhóm của bà khám phá ra rằng: CIO – hình thành từ sự tương tác giữa nguyên tử Cl và – sau đó sẽ bị phá vỡ, nguyên tử Cl trở lại trạng thái tự do để tiếp tục tổn hại tầng ozone.

Những tổn hại to lớn mà chất CFC gây ra đối với tầng ozone đã được diễn giải như thế nào?

“Ta có thể phá huỷ hàng trăm nghìn phân tử ozone chỉ bằng một nguyên tử Cl từ một phân tử CFC, trong suốt khoảng thời gian chất này nằm ở tầng bình lưu – Xu-dần Xô-lơ-mơn chia sẻ trong một chương trình podcast(2) của Viện Nghiên cứu Tương lai Sự sống.

------------------------------

(1) Nature: tạp chí khoa học ra hằng tuần, có trụ sở tại Luân Đôn, Anh.

(2) Podcast: tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về.

(Trang 86)

Như vậy, tầng ozone có thể suy giảm nhanh chóng và vượt khỏi tầm kiểm soát. Giới khoa học đã nhanh chóng vào cuộc. Sau khi đã “chẩn bệnh” – xác định có một mối đe doạ hiện hữu và biết CFC là nguyên nhân, bước tiếp theo là “chữa bệnh” – thuyết phục thế giới hành động để giải quyết vấn đề này. May mắn là thế giới đã lắng nghe.

Hình ảnh mô phỏng lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực giai đoạn 1979 – 2019

Nguồn: Đài quan sát Trái Đất NASA

Đồ hoạ: Vox

Đồng lòng

Năm 1986, Liên hợp quốc bắt đầu đàm phán về một hiệp ước xoá sổ các hoá chất có hại cho tầng ozone - chủ yếu là CFC. Một trong những tiếng nói chính trong các cuộc đàm phán là

Liên hợp quốc đã có những nỗ lực gì nhằm xoá sổ các hoá chất có hại cho tầng ozone?

(Trang 87)

Xti-phần An-đơ-sơn (Stephen Andersen), khi đó là chuyên gia của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ. Nhóm của ông đã vạch ra hàng trăm giải pháp – một cách có hệ thống – để loại bỏ dần CFC từ hàng trăm lĩnh vực công nghiệp, giúp việc chuyển đổi trở nên dễ dàng và khả thi trên toàn thế giới. Nghị định thư Mông-tơ-rê-an có hiệu lực từ năm 1989 và đến tận năm 2008 là hiệp định môi trường đầu tiên và duy nhất của Liên hợp quốc được mọi quốc gia trên thế giới phê chuẩn!

Nhờ sự tẩy chay của người tiêu dùng, sự quyết liệt của giới chính trị và nguồn đầu tư vào công nghệ mới để tìm giải pháp thay thế, phần lớn thế giới đã nhanh chóng ngừng sản xuất CFC trong thập niên 1990. Việc loại bỏ các thiết bị sử dụng CFC thì mất nhiều thời gian hơn.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 99% các chất làm suy giảm tầng ozone đã bị “khai tử”, và lá chắn chống nắng” của Trái Đất đang dần hồi phục. Chúng ta có thể kì vọng lỗ thủng ozone ở Nam Cực sẽ “đóng lại” vào khoảng năm 2060. Đến năm 2030, ước tính khoảng 2 triệu người sẽ tránh được bệnh ung thư da mỗi năm. Đồng thời, tất cả nỗ lực này sẽ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Nhưng “bệnh” này của tầng ozone không phải điều trị một lần là xong. Mọi công việc vẫn phải tiếp diễn, trong đó các nhà khoa học là tuyến phòng thủ đầu tiên. Nghị định thư Mông-tơ-rê-an được hỗ trợ bởi ba hội đồng khoa học có nhiệm vụ thông tin cho các nhà hoạch định chính sách.

[...] Trong tháng Chín vừa qua, giải thưởng Tương lai Sự sống năm 2021 đã vinh danh ba nhân vật giữ vai trò quan trọng trong công cuộc khôi phục tầng ozone: Giô-dép Pha-mơn – người xác nhận lỗ thủng ozone, Xu-dần Xô-lơ-mơn – người lí giải tốc độ phá hoại của CFC và Xti-phần An-đơ-sơn – người thúc đẩy Nghị định thư Mông-tơ-rê-an. Giải thưởng thường niên này của Viện Nghiên cứu Tương lai Sự sống được trao cho những anh hùng thầm lặng đã giúp thế giới của chúng ta an toàn hơn, đáng sống hơn. Giáo sư Ma-ri-ô Mô-li-nơ và Se-ri Rao-lân cũng chia sẻ giải Nô-ben (Nobel) Hoá học năm 1995 (cùng một người nữa là Pôn Cờ-rớt-dân – Paul Crutzen) nhờ các khám phá trong hoá học khí quyển, đặc biệt là liên quan đến sự hình thành và phân huỷ của tầng ozone.

Câu chuyện thành công này cho thấy: có những cá nhân cụ thể đã “kích hoạt” quá trình thay đổi quỹ đạo của nhân loại, nhưng cần nhớ rằng chính công chúng, sự đồng thuận quốc tế và hành động nhất quán toàn cầu mới là năng lượng bền bỉ của cuộc chiến.

Những nhân tố nào làm nên thành công của nỗ lực hồi phục tầng ozone?

(Theo báo Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 30/10/2021)

(Trang 88)

Trả lời câu hỏi

1. Thông tin chính của văn bản là gì? Đó là thông tin khoa học hay thông tin thời sự chính trị? Vì sao?

2. Hãy nhận xét về cách đặt nhan đề và cách triển khai nội dung của văn bản.

3. Theo bạn, ngôn ngữ của văn bản này đã đáp ứng được những yêu cầu nào của một bản tin? Bạn có đồng tình khi người đưa tin coi nhà nghiên cứu khoa học là “thám tử”, “tuyến phòng thủ”, và nỗ lực phục hồi tầng ozone là “cuộc chiến"?

4. Hãy đánh giá tính hiệu quả của việc đưa phương tiện phi ngôn ngữ vào văn bản.

5. Nêu quan điểm chính của tác giả bài viết. Hãy bàn luận về quan điểm ấy.

6. Hãy tìm hiểu một số vấn đề trên thế giới hiện nay cần đến những nỗ lực toàn cầu và chỉ ra những lí do dẫn đến sự thành công hay chưa thành công trong việc giải quyết những vấn đề ấy.

7. Từ hai văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu (Lê My) và Sự sống và cái chết (Trịnh Xuân Thuận), bạn suy nghĩ gì về sự tồn vong của nhân loại và Trái Đất?

8. Theo bạn, thế nào là một bản tin có giá trị?

Kết nối đọc - viết 

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về giải pháp làm giảm rác thải nhựa trên toàn cầu.

(Trang 89)

Thực hành tiếng Việt

Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ

1. Quan sát hình ảnh (trang 86) trong văn bản Phục hồi tầng ozone: Thành công hiếm hoi của nỗ lực toàn cầu và cho biết:

a. Những thông tin gì được cung cấp trong hình ảnh?

b. Các thông tin đó được trình bày như thế nào?

c. Tác dụng của hình ảnh này là gì?

2. Quan sát sơ đồ và cho biết:

VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ

SƠ ĐỒ TUYẾN THAM QUAN RỪNG HOA DÃ QUỲ

Nguồn: https://dulichbavi.com.vn

a. Ngoài các phương tiện ngôn ngữ, sơ đồ trên còn sử dụng những phương tiện nào khác?

b. Những phương tiện đó được trình bày như thế nào và biểu đạt thông tin gì?

c. Những phương tiện phi ngôn ngữ và những phương tiện ngôn ngữ trong sơ đồ có quan hệ với nhau như thế nào?

d. Những phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong sơ đồ có tác dụng gì?

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Tập 2

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 10 - Tập Một

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Cơ Bản Tập 1.

Ngữ Văn 10 - Tập Hai

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Cơ Bản Tập 2. Tổng 35 tuần.

Ngữ Văn 10 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 1. Tổng 18 tuần

Ngữ Văn 10 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 2. Tổng 35 tuần.

Đại Số 10

Sách Toán Đại Số Lớp 10 (Thường/Cơ bản). Tổng 6 chương và 30 bài.

Đại Số 10 (Nâng Cao)

Sách Toán Đại Số Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 6 chương, 34 bài.

Hình Học 10

Sách Toán Hình Học Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 3 chương, 10 bài.

Hình Học 10 (Nâng Cao)

Sách Toán Hình Học Lớp 10 (Nâng Cao). Tổng 3 chươn, 20 bài.

Hoá Học 10

Sách Hoá Học Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 7 chương, 41 bài.

Hoá Học 10 (Nâng Cao)

Sách Hoá Học Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 7 chương, 53 bài.

Vật Lí 10

Sách Vật Lí Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 7 chương, 41 bài

Vật Lí 10 (Nâng Cao)

Sách Vật Lí Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 8 chương, 60 bài.

Gợi ý cho bạn

lich-su-va-dia-li-9-966

Lịch Sử Và Địa Lí 9

Sách Lớp 9 Chân Trời Sáng Tạo

ngu-van-11-tap-hai-1150

Ngữ Văn 11 - Tập Hai

Ngữ Văn Lớp 11 (Tập 2) Chương Trình Cơ Bản

sinh-hoc-7-855

Sinh Học 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

tin-hoc-12-672

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề