SGKVN

Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10 - Bài 7: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Bài 7: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh - Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10. Xem chi tiết nội dung bài Bài 7: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Trang 39

Yêu cầu cần đạt

• Nêu được vai trò của sản xuất kinh doanh.

• Nhận biết được một số mô hình sản xuất kinh doanh và đặc điểm của nó.

• Lựa chọn được mô hình kinh tế thích hợp trong tương lai đối với bản thân.

MỞ ĐẦU

Nhiều người trong chúng ta đã và đang tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ vai trò của sản xuất kinh doanh cũng như biết lựa chọn cho mình một mô hình phù hợp để đảm bảo kinh doanh hiệu quả, thành công. Bài học này sẽ giúp các em hiểu rõ hơn vai trò của sản xuất kinh doanh, biết được một số mô hình sản xuất kinh doanh để có thể lựa chọn cho bản thân và gia đình trong hiện tại và tương lai.

Em hãy kể một số hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình hoặc những cơ sở sản xuất kinh doanh nơi em sinh sống và cho biết hoạt động đó có đóng góp gì cho đời sống xã hội.

KHÁM PHÁ

1. Vai trò của sản xuất kinh doanh

Em hãy đọc câu chuyện sau để trả lời câu hỏi:

Trước đây, do chỉ cấy lúa, trồng ngô, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên anh T rất trăn trở tìm hướng phát triển sản xuất kinh doanh. Anh đã đầu tư mua máy nghiền thức ăn gia súc để phục vụ bà con phát triển chăn nuôi, đồng thời nuôi thêm hơn 60 con lợn mỗi năm. Hiện tại, anh muốn mua máy gặt đập liên hợp cung cấp dịch vụ thu hoạch lúa để có thêm lợi nhuận nhưng đang gặp khó khăn trong việc vay vốn.

Trang 40

Sản xuất kinh doanh phát triển giúp anh và gia đình có cuộc sống ổn định, tạo việc làm cho bản thân và gần chục lao động trong xã, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho quê hương, đất nước.

❓1/. Anh T đã cung cấp dịch vụ để phục vụ bà con địa phương với mục đích gì? Hoạt động này có điểm gì khác so với hoạt động sản xuất trước đây?
2/ Hoạt động sản xuất kinh doanh của anh T đã mang lại lợi ích gì cho gia đình và xã hội?

 

🌀 - Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích thu được lợi nhuận.
- Sản xuất kinh doanh là hoạt động sản xuất ra sản phẩm hàng hoá/dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhằm mục đích thu được lợi nhuận.
- Sản xuất kinh doanh có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội: là hoạt động kinh tế cơ bản của con người, làm ra sản phẩm hàng hoá/dịch vụ, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của xã hội; tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, gia đình, xã hội và chủ thể kinh doanh, đem lại cuộc sống ấm no cho mọi người trong xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.

 

2. Một số mô hình sản xuất kinh doanh

a) Mô hình hộ sản xuất kinh doanh

Từ câu chuyện sản xuất kinh doanh của gia đình anh T, em hãy thảo luận với các bạn trong nhóm đề trả lời câu hỏi sau.

❓1/ Việc sản xuất kinh doanh của hộ gia đình anh T do ai chịu trách nhiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm? Số lao động tham gia là bao nhiêu?
2/ Em có nhận xét gì về quy mô kinh doanh, khả năng huy động vốn của hộ gia đình anh T?

 

🌀- Hộ sản xuất kinh doanh là mô hình sản xuất kinh doanh do cá nhân hoặc một nhóm người là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, tự tổ chức sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước, địa phương và quy định của pháp luật, tự chủ trong quản lí và tiêu thụ sản phẩm.

 

Trang 41

- Hộ kinh doanh chỉ được đăng kí kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
- Mô hình này có quy mô nhỏ lẻ, bộ máy quản lí gọn nhẹ, dễ tạo việc làm nhưng khó huy động vốn nên khó tăng quy mô và đầu tư trang thiết bị, khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng lớn.

 

b) Mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất kinh doanh

Em hãy đọc tiếp câu chuyện của gia đình anh T để trả lời câu hỏi:

Gần đây, gia đình anh T cùng 8 hộ gia đình trong xã liên kết thành lập Hợp tác xã Đoàn Kết với mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí.

Nhờ có sự hỗ trợ từ hợp tác xã, các hộ gia đình có điều kiện áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn mới, sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, bón phân cân đối nên thu được kết quả cao hơn so với trước đây. Hợp tác xã còn lo bao tiêu sản phẩm đầu ra, bán với giá ổn định nên các thành viên rất yên tâm, tin tưởng phát triển sản xuất.

Mới đây, Hợp tác xã Đoàn Kết đã gia nhập liên hiệp hợp tác xã gồm 5 hợp tác xã thành viên trong huyện, tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí. 

❓1/ Hợp tác xã Đoàn Kết gồm mấy thành viên? Hoạt động của hợp tác xã dựa trên nguyên tắc nào?
2/ Ưu điểm của mô hình hợp tác xã so với mô hình hộ sản xuất kinh doanh là gì? Theo em, tại sao anh T phải liên kết với các hộ gia đình khác?

 

🌀- Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, binh đẳng và dân chủ trong quản lí hợp tác xã.
Đặc điểm của hợp tác xã: có hình thức sở hữu tập thể; các thành viên có những nhu cầu chung trong sản xuất, kinh doanh; có vị trí, vai trò bình đẳng, có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau trong quản lí hợp tác xã.
- Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 4 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau 

Trang 41

trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lí liên hiệp hợp tác xã.
Đặc điểm của liên hiệp hợp tác xã: có hình thức sở hữu tập thể, đồng sở hữu; có tư cách pháp nhân; các hợp tác xã thành viên tự chủ, tự chịu trách nhiệm, binh đẳng và dân chủ trong quản lí.


c) Mô hình doanh nghiệp

Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:

Doanh nghiệp X là một doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử gia dụng do ông Q bỏ vốn ra thành lập, làm chủ, với mục đích sinh lợi. Doanh nghiệp có trụ sở giao dịch ngay tại nơi gia đình ông Q đang sinh sống, có cơ cấu nhân sự, bộ máy điều hành khá gọn nhẹ. Doanh nghiệp đã được Nhà nước cấp phép hoạt động và phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động kinh doanh bằng tài sản riêng của mình trước pháp luật.

❓ Em hãy nêu những biểu hiện tính hợp pháp và tính tổ chức của doanh nghiệp X.

 

🌀- Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
- Doanh nghiệp có đặc điểm:
+ Có tính kinh doanh: mục đích hoạt động là tạo ra lợi nhuận thông qua mua bán, sản xuất, kinh doanh hàng hoá/dịch vụ,...
+ Có tính hợp pháp: đã đăng kí và được cấp phép kinh doanh.
+ Có tính tổ chức: có tổ chức điều hành, cơ cấu nhân sự, trụ sở giao dịch, tài sản riêng và tư cách pháp nhân (trừ loại hình doanh nghiệp tư nhân).


Một số mô hình doanh nghiệp:

Doanh nghiệp tư nhân:

Từ thông tin về doanh nghiệp X do ông Q làm chủ ở trên, em hãy trả lời câu hỏi: 

❓ Ông Q có quyền sở hữu, quản lí và thực hiện nghĩa vụ đối với doanh nghiệp X trước pháp luật như thế nào?

 

🌀- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Đặc điểm:
+ Chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp là cá nhân chủ doanh nghiệp, có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư, không tách bạch tài sản của chủ doanh nghiệp và tài sản của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân.

 

Trang 43

+ Chủ doanh nghiệp là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh, sử dụng lợi nhuận và chịu trách nhiệm vô hạn toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp.


Công ty hợp danh:

Em hãy đọc tiếp thông tin về doanh nghiệp của ông Q để trả lời câu hỏi:

Ông T—anh trai của ông Q là người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh. Thấy em thành lập doanh nghiệp tư nhân những chưa có nhiều kinh nghiệm, ông T muốn hỗ trợ nên đề nghị thành lập một công ty hợp danh mang tên QT với hai thành viên hợp danh là ông Q và ông T, các con cháu trong nhà có thể góp thêm vốn cho công ty đề được chia lợi nhuận. Cả hai ông chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty và có quyền quản lí, tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty. Nhờ uy tín của ông T nên công ty hợp danh QT kinh doanh rất hiệu quả và không ngừng phát triển.

❓1/ Công ty hợp danh QT được thành lập bởi những ai? Các thành viên hợp danh có quyền lợi và nghĩa vụ gì trong công ty? Các thành viên góp vốn có quyền lợi và nghĩa vụ gì trong công ty?
2/ Theo em, công ty hợp danh có ưu điểm gì so với doanh nghiệp tư nhân?

 

🌀- Công ty hợp danh là doanh nghiệp có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của kết góp vào công ty.
- Đặc điểm:
+ Thành viên hợp danh là người có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp, có quyền ngang nhau trong quản lí công ty, tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty, cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty. + Thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỉ lệ được quy định tại Điều lệ công ty; không được tham gia quản lí công ty và hoạt động kinh doanh nhân danh công ty.
+ Do kết hợp được uy tín cá nhân của thành viên hợp danh nên tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh. Việc điều hành quản lí công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và tin tưởng nhau.


Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:

Anh N đang làm thủ tục thành lập doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh. Có người khuyên nên thành lập doanh nghiệp tư nhân nhưng anh lại muốn đăng kí thành lập công ty

Trang 44

trách nhiệm hữu hạn một thành viên với vốn điều lệ là 5 tỉ đồng để chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn này mà không lo ảnh hưởng đến các tài sản khác của gia đình.

❓ Em có nhận xét gì về mục đích thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của anh N?

 

🌀– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
– Đặc điểm:
+ Vốn điều lệ tại thời điểm đăng kí doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Nếu tăng vốn điều lệ bằng đóng góp của người khác thì phải chuyển đổi sang loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
+ Ít rủi ro hơn doanh nghiệp tư nhân, cơ cấu tổ chức đơn giản, chủ sở hữu toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty.


Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:

Em hãy đọc tiếp thông tin về hoạt động kinh doanh của anh N để trả lời câu hỏi:

Hoạt động kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với vốn điều lệ là 5 tỉ đồng của anh N đạt nhiều kết quả khả quan nên anh mong muốn mở rộng quy mô kinh doanh. Anh được 4 người bạn thân đầu tư thêm 4 tỉ đồng vốn điều lệ và đề nghị chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên với vốn điều lệ là 9 tỉ đồng. Cả 5 người hợp thành Hội đồng thành viên, duy trì hoạt động của công ty, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp.

❓Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của anh N được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như thế nào? Cơ chế tổ chức và hoạt động ra sao?

 

🌀- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân số lượng thành viên không vượt quá 50.
- Đặc điểm:
+ Công ty có tư cách pháp nhân, không được quyền phát hành cổ phần để huy động vốn.

 

Trang 45

+ Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Vốn điều lệ của công ty khi đăng kí doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
+ Ít gây rủi ro cho người góp vốn, việc quản lí, điều hành công ty không quá phức tạp.


Công ty cổ phần:

Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi:

Công ty A là một công ty cổ phần được hình thành bằng vốn đóng góp của hàng trăm cổ đông. Hằng năm, công ty đều tổ chức Đại hội đồng cổ đông, bầu ra Hội đồng quản trị. Công ty được phát hành chứng khoán để huy động vốn. Các cổ đông được chia lợi tức cổ phần theo số cổ phần đóng góp cho công ty.

❓Công ty cổ phần A được hình thành như thế nào? Em hãy nêu phương thức hoạt động của công ty cổ phần.

 

🌀- Công ty cổ phần là doanh nghiệp được hình thành bằng vốn đóng góp của nhiều người, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.

Người đóng cổ phần gọi là các cổ đông. Cơ quan tối cao của công ty cổ phần là Đại hội đồng cổ đông. Các cổ đông sẽ bầu ra Hội đồng quản trị sau đó Hội đồng quản trị sẽ thuê, bổ nhiệm Giám đốc (Tổng Giám đốc) hoặc Giám đốc điều hành. Công ty có quyền phát hành chứng khoán để huy động vốn, có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.
- Đặc điểm:
+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân, chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
+ Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, có quyền phát hành chứng khoán, phải có Đại hội đồng cổ đồng, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc.
+ Mức độ rủi ro của các cổ động không cao, cơ cấu vốn của công ty cổ phần linh hoạt, khả năng huy động vốn cao thông qua phát hành cổ phần chào bán hoặc cổ phiếu ra công chúng.

Trang 46

Doanh nghiệp nhà nước:

Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi:

Doanh nghiệp K là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Sau khi tiến hành cổ phần hoá, doanh nghiệp K đã trở thành một công ty cổ phần với số vốn lớn hơn nhiều so với trước. Số vốn của Nhà nước chỉ còn chiếm 54% vốn của công ty, phần còn lại cho phép tư nhân đầu tư, mua cổ phần góp vốn cho doanh nghiệp những đây vẫn là một doanh nghiệp nhà nước.

❓Em hãy phân tích số vốn của doanh nghiệp K trước và sau khi cổ phần hoá.

 

🌀- Doanh nghiệp nhà nước: là tổ chức kinh doanh do Nhà nước thành lập hoặc tham gia thành lập đầu tư trên 50% vốn điều lệ và quản lí hoặc tham gia quản lí với tư cách chủ sở hữu, là một pháp nhân kinh tế, hoạt động theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật.
- Doanh nghiệp nhà nước gồm có hai loại:
+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết: công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.

 

LUYỆN TẬP

1. Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào sau đây? Vì sao?

a. Sản xuất kinh doanh góp phần làm giảm tệ nạn xã hội.

b. Kinh doanh phát triển làm hạn chế các nghề truyền thống ở địa phương.

c. Kinh doanh trực tuyến không đòi hỏi phải đầu tư nhiều nhà xưởng và trí tuệ.

d. Sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

2. Em hãy cùng các bạn trong nhóm thảo luận để nhận biết điểm khác nhau của các mô hình sản xuất kinh doanh:

a. Mô hình hộ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân.

b. Mô hình hộ sản xuất kinh doanh và hợp tác xã.

c. Doanh nghiệp tư nhân với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

d. Doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

e. Công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Trang 47

3. Em hãy tìm hiểu các mô hình sản xuất kinh doanh ở địa phương theo gợi ý sau:

- Tìm hiểu và nhận xét ưu điểm, hạn chế của một số mô hình hộ sản xuất kinh doanh ở địa phương em.

- Tìm hiểu một mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh trong thực tế, giới thiệu mô hình này với các bạn trong lớp.

- Tìm hiểu trong thực tiễn một doanh nghiệp thuộc một trong các loại hình: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, doanh nghiệp nhà nước và giới thiệu vài nét về doanh nghiệp đó.

4. Em có lời khuyên gì cho các nhân vật trong những tình huống sau?

a. Những ngày nông nhàn, anh C cùng nhiều thanh niên trong xã lên thành phố làm thuê. Lao động vất vả, phải sống xa nhà, tốn thêm chi phí thuê nhà trọ, ăn uống, xe cộ,... nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu. Mới đây, có người bà con khuyên anh chọn một mô hình kinh doanh phù hợp để phát triển sự nghiệp ở quê, không lên thành phố làm thuê nữa.

Theo em, anh C có nên làm theo lời khuyên đó không? Vì sao?

b. N không chỉ học giỏi mà còn rất khéo tay, làm được nhiều loại bánh ngon. Nhà ở ngay gần chợ phố huyện, nhận thấy khả năng có thể kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình, N có ý định sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ học thêm kĩ thuật làm bánh để mở cửa hàng chuyên kinh doanh bánh tại nhà. Tuy nhiên, nhiều bạn trong lớp khuyên N nên học đại học đề có cơ hội kiếm được công việc tốt hơn.

Em có lời khuyên gì cho bạn N?

VẬN DỤNG

1. Em hãy viết bài giới thiệu dự định mô hình kinh doanh trong tương lai của bản thân hoặc gia đình và giới thiệu với các bạn.

2. Em hãy viết bài và chuẩn bị tham gia cuộc thi thuyết trình về sự đóng góp của sản xuất kinh doanh đối với đời sống kinh tế – xã hội ở địa phương.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Giáo Dục Kinh Tế Và Pháp Luật 10

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 10 - Tập Một

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Cơ Bản Tập 1.

Ngữ Văn 10 - Tập Hai

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Cơ Bản Tập 2. Tổng 35 tuần.

Ngữ Văn 10 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 1. Tổng 18 tuần

Ngữ Văn 10 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Ngữ Văn Lớp 10 Nâng Cao Tập 2. Tổng 35 tuần.

Đại Số 10

Sách Toán Đại Số Lớp 10 (Thường/Cơ bản). Tổng 6 chương và 30 bài.

Đại Số 10 (Nâng Cao)

Sách Toán Đại Số Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 6 chương, 34 bài.

Hình Học 10

Sách Toán Hình Học Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 3 chương, 10 bài.

Hình Học 10 (Nâng Cao)

Sách Toán Hình Học Lớp 10 (Nâng Cao). Tổng 3 chươn, 20 bài.

Hoá Học 10

Sách Hoá Học Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 7 chương, 41 bài.

Hoá Học 10 (Nâng Cao)

Sách Hoá Học Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 7 chương, 53 bài.

Vật Lí 10

Sách Vật Lí Lớp 10 (Thường/ Cơ bản). Tổng 7 chương, 41 bài

Vật Lí 10 (Nâng Cao)

Sách Vật Lí Lớp 10 Nâng Cao. Tổng 8 chương, 60 bài.

Gợi ý cho bạn

tu-nhien-va-xa-hoi-3-1044

Tự Nhiên và Xã Hội 3

Sách Lớp 3 Cánh Diều

atlat-1361

Atlat

Atlat hay atlas là một tập hợp các bản đồ, thường là của Trái Đất hoặc một khu vực trên Trái Đất. Ngoài ra còn có atlas của các hành tinh trong hệ Mặt Trời.

tin-hoc-7-869

Tin Học 7

Sách Lớp 7 Cánh Diều

hoat-dong-trai-nghiem-huong-nghiep-10-3207

Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

NXB Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống Hoạt Động Trải Nghiệm, Hướng Nghiệp 10

tieng-viet-4-tap-mot-1570

Tiếng Việt 4 - Tập Một

NXB Kết nối tri thức với cuộc sống - Tiếng Việt 4 (Tập 1)

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề