(Trang 61)
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ
Bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ không phải là một bài phát biểu cảm nhận đơn thuần. Kiểu bài viết này đòi hỏi sự chặt chẽ trong lập luận, sự sáng rõ, sắc nét của luận điểm và sự mạch lạc trong tổ chức bài viết. Bởi vậy, người viết cần nắm chắc các tri thức về đặc trưng thi ca đã được giới thiệu trong bài học và được làm rõ qua các tiết đọc văn bản để có những phân tích, đánh giá thuyết phục. Mặt khác, kiểu bài này cũng vẫn khuyến khích người viết thể hiện những rung cảm và tưởng tượng của mình khi chiếm lĩnh bài thơ.
Yêu cầu
• Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ được chọn (tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, khuynh hướng, trào lưu văn học gắn với bài thơ; lí do lựa chọn bài thơ để phân tích, đánh giá).
• Chỉ ra và phân tích được những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ (từ ngữ, hình ảnh, cách tổ chức nhịp điệu, nhạc điệu, cách liên kết mạch cảm xúc và hình ảnh,...).
• Đánh giá giá trị của bài thơ về phương diện nghệ thuật cũng như ý nghĩa nhân sinh.
Bài viết tham khảo
Những điệu xanh của mùa xuân(Đọc Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính) Không phải vô cớ mà trong phong trào Thơ mới (1932 – 1945), Nguyễn Bính lại được mệnh danh là “thi sĩ của mùa xuân”. Theo thống kê của Đỗ Anh Vũ, trong số 271 bài thơ sáng tác trước năm 1945 của Nguyễn Bính, có đến 35 bài trực tiếp nhắc đến mùa xuân, 41 bài nhắc đến chữ Tết(1). Bức tranh xuân trong thơ Nguyễn Bính có khi hiện lên với nét tươi tắn, hồn hậu, lại cũng có khi nặng trĩu nỗi niềm, tâm sự. Mùa xuân xanh thuộc mảng thứ nhất. Bài thơ nhỏ gọn, giản dị mà vẫn làm toát lên được sức sống phơi phới của vạn vật lúc xuân về và cả nét tình tứ đậm chất “chân quê”. ------------------------------ (1) Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Bính: Tết và xuân, báo Đại đoàn kết, số ra ngày 18/1/2016. |
(Trang 62)
Mùa xuân xanh Mùa xuân là cả một mùa xanh Giời ở trên cao, lá ở cành Lúa ở đồng tôi và lúa ở Đồng nàng và lúa ở đồng anh. Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh Tôi đợi người yêu đến tự tình Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy Bắt đầu là cái thắt lưng xanh. 1937 (Nguyễn Bính, in trong Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, Hà Nội, 1986, tr. 64)
Hãy bắt đầu bằng những ấn tượng được gọi ra từ nhan đề và câu mở đầu bài thơ. Có lẽ mỗi nhà thơ đều có những cảm nhận của riêng mình về sắc màu đặc trưng của mùa xuân. Xuân Diệu gọi tên mùa xuân bằng sắc hồng mơn mởn “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” (Vội vàng). Hàn Mặc Tử vẽ bức tranh xuân bằng những từ ngữ gợi gam màu ấm nóng thể hiện trạng thái viên mãn của mùa xuân vào độ chín (Mùa xuân chín). Còn Nguyễn Bính thì định nghĩa: Mùa xuân là cả một mùa xanh”. Định nghĩa này tự nhiên như thể chẳng cần phải giải thích bởi “mùa xuân” và “mùa xanh” không chỉ gần âm mà còn gần nghĩa. Cả hai đều khơi dậy những liên tưởng tương đồng về ý nghĩa như sự khởi đầu, niềm hi vọng, sức sống, tuổi trẻ,...
Mạch thơ được tổ chức theo lối diễn dịch. Ý niệm “mùa xuân” được cụ thể hoá trong các hình ảnh trải dọc bài thơ: bầu trời, cây lá, ruộng đồng, luỹ tre và cuối cùng là “cái thắt lưng xanh” của người thôn nữ. Mỗi hình ảnh lại gợi ra những sắc thái khác nhau của mùa xanh: trời xanh trong lá xanh biếc, lúa xanh mát, cỏ xanh non, tre xanh ngắt và chiếc thắt lưng xanh thắm. Điểm nhìn của nhân vật trữ tình vận động từ cao xuống thấp, theo đó, cả bầu trời lẫn mặt đất, cả thiên nhiên lẫn con người đều hiện lên trong trạng thái tươi tắn, dào dạt sức sống. Nhìn vào từng câu thơ và quan hệ giữa các cặp câu thơ trong cả bài, có thể dễ nhận thấy nhà thơ chủ ý khai thác hiệu quả phép đối: “Giời ở trên cao,/ lá ở cành”; |
(Trang 63)
“Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh/ Tôi đợi người yêu đến tự tình”, cũng như các phép điệp từ, điệp cấu trúc được triển khai xuyên suốt bài thơ. Các biện pháp tu từ này có thể gợi ra hình dung về trạng thái sóng đôi, hô ứng giữa các tạo vật trong vũ trụ, giữa con người với các tạo vật và cuối cùng, giữa con người với con người. Tất cả đều đang tồn tại trong sự cận kề, giao hoà, tình tự. Như vậy, trong chỉnh thể bài thơ, “mùa xuân xanh” vừa là mùa tươi mà cũng vừa là mùa tình.
Cả hai khổ thơ mở ra một không gian đồng nội thân thuộc. Nhung hình thức và tình ý trong bài thơ đã mang những yếu tố hiện đại khác biệt với những bài thơ về làng cảnh trong văn học dân gian hay văn học trung đại. Thứ nhất, nếu trong thơ ca truyền thống thiên nhiên thường được mô tả với những thuộc tính vốn có của nó thì ở đây, tạo vật lại được tạo hình theo những ấn tượng và xúc cảm chủ quan của con người. Điều này được thể hiện rõ nét ở câu thơ: “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh”. Biện pháp nhân hoá khiến cỏ cũng trở thành một sinh thể khát khao tình tự. Nhân vật trữ tình không chỉ nhìn ngắm cảnh vật mà còn phổ vào nó những xốn xang trong nội tâm của chính mình. Đến ngay cả “trên mộ” – nơi đánh dấu sự kết thúc của đời người, cỏ cũng ngời lên sắc xanh khi xuân về, cũng đang rạo rực ngóng đợi thanh minh. Thiên nhiên trong Mùa xuân xanh không mang vẻ bình lặng của một trạng thái vĩnh cửu muôn đời. Thay vào đó, thiên nhiên như cũng đang rung động theo những cảm xúc đang dâng lên rộn ràng ở nhân vật trữ tình.
Thứ hai, trong bài thơ có sự xuất hiện của kiểu câu thơ vắt dòng – một hiện tượng hầu như không bắt gặp khi đọc thơ trung đại: Lúa ở đồng tôi và lúa ở Đồng nàng và lúa ở đồng anh. hay Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy Bắt đầu là cái thắt lưng xanh. Ở những câu thơ vắt dòng này, nhịp điệu nương theo cảm xúc của con người hơn là tuân thủ quy tắc của ngữ pháp. Nhịp điệu ấy là nhịp điệu của nỗi hân hoan và cả niềm hồi hộp khi “đợi người yêu đến tự tình”. Lời thơ vừa nao nức nhưng vẫn có gì ngập ngừng vừa e ấp mà cũng vừa lơi lả qua cách sử dụng các đại từ một cách lấp lửng “đồng tôi” – “đồng nàng” – “đồng anh”. Nhịp điệu và lời thơ gợi nhớ đến cách nói đưa đẩy, duyên dáng thường bắt gặp trong ca dao xưa, nhưng cảm xúc chứa đựng trong đó lại là một tình điệu mới. Điệu cảm xúc trong bài thơ chính là một biểu hiện của |
(Trang 64)
ái tình “trăm hình muôn trạng” (chữ của Lưu Trọng Lư, dẫn lại theo Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam)(1). Chỉ đến thời đại của Thơ mới, khi ý thức cá nhân của con người được giải phóng, trạng thái tinh thần đặc biệt này mới thực sự trở thành đối tượng mà thơ ca muốn khám phá và tìm cách biểu đạt.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh người thôn nữ trong chiếc thắt lưng xanh, không khỏi làm người ta liên hệ đến câu ca dao tình tứ: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về Nam Định với anh thì về”. Cô gái chỉ được khắc hoạ bằng một nét chấm phá, tập trung vào chiếc thắt lưng nhưng cũng đủ gợi hình dung về vẻ đẹp nữ tính. Thay vì nép mình lại sau thiên nhiên như trong thơ ca trung đại, con người giờ đã hiện diện ở tiền cảnh. Bài thơ kết lại khi mọi sự của con người mới bắt đầu, kết mà như thể bỏ lửng. Nhưng đó là sự bỏ lửng thi vị mà ta cũng hay bắt gặp trong nhiều bài thơ tình lãng mạn khác. Nó thể hiện mĩ cảm đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn vốn nâng niu tất cả những gì ở trạng thái khởi nguyên, trong sáng và hồn nhiên. Tóm lại, Mùa xuân xanh là bài thơ của niềm vui sống, của sự chan hoà giữa con người với tạo vật, là khúc dạo đầu của tình yêu lứa đôi. Những giá trị nhân bản ấy lại được thể hiện bằng một thứ ngôn từ thơ ca tự nhiên, giản dị nhưng vẫn có tính hiện đại. Có lẽ bởi những yếu tố ấy, trải qua nhiều năm tháng, bài thơ của Nguyễn Bính vẫn còn xanh mãi trong tâm trí của người đọc. (Nhóm biên soạn) |
1. Tác giả bài viết cảm nhận và phân tích bài thơ Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính vừa theo tuyến hình ảnh trải dọc bài thơ, vừa theo trình tự câu thơ, khổ thơ. Cách cảm nhận và phân tích đó có những ưu thế gì nổi bật?
2. Trong bài nghị luận phân tích, đánh giá về một tác phẩm thơ, thực chất của việc phân tích chủ đề là gì?
3. Người viết đã đánh giá bài thơ như thế nào? Nêu nhận xét khái quát về tính thuyết phục của đánh giá đó.
--------------------------------
(1) Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (bản in lần thứ 11), NXB Văn học, Hà Nội, 1995, tr. 17.
(Trang 65)
Thực hành viết
Chuẩn bị viết
– Lựa chọn bài thơ sẽ được phân tích, đánh giá. Cân nhắc để chọn đúng bài thơ đã thật sự làm bạn rung cảm và tin vào giá trị nghệ thuật của nó. (Bài thơ gây cho bạn những ấn tượng đặc biệt gì về hình ảnh, nhịp điệu, giọng điệu? Tình cảm và tư tưởng trong bài thơ đã khiến bạn xúc động như thế nào?)
– Tìm đọc tham khảo những bài viết, ý kiến liên quan đến bài thơ bạn sẽ phân tích, đánh giá.
Tìm ý, lập dàn ý
Tìm ý
– Đọc lại bài thơ đã lựa chọn. Có thể đọc thầm hoặc đọc thành tiếng để cảm nhận đầy đủ hơn về âm điệu, nhịp điệu của nó. Chú ý những cách diễn đạt lạ, có thể lần đầu mình bắt gặp và những hình ảnh gây ấn tượng. Sau khi đọc, hãy suy nghĩ vì sao bài thơ lại có những cách tổ chức và kết hợp ngôn từ đặc biệt như vậy.
Chẳng hạn, khi đọc bài thơ Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính, cần quan tâm đến nhan đề bài thơ, cách sử dụng các đại từ một cách lấp lửng (đồng tôi, đồng nàng, đồng anh),... Cũng cần chú ý đến nhịp điệu của bài thơ và giọng điệu của nhân vật trữ tình (Bài thơ có nhịp nhanh hay chậm? Giọng điệu của nhân vật trữ tình sôi nổi hay rụt rè, náo nức hay ngập ngừng?). Không nên bỏ qua sự cụ thể hoá những điệu xanh của mùa xuân thành các hình ảnh trải dọc bài thơ.
– Thử liên kết âm điệu, nhịp điệu, ngôn ngữ, hình ảnh của bài thơ và chú ý xem mạch liên kết này có thể đem đến cho bạn sự bất ngờ nào trong cảm xúc, liên tưởng và nhận thức.
Ví dụ, ở bài viết tham khảo, người viết đã phát hiện về cấu trúc hô ứng và sóng đôi của hệ thống hình ảnh và văn bản ngôn từ của bài thơ, từ đó khẳng định rằng hình thức nghệ thuật này thể hiện cảm quan độc đáo của nhà thơ về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
– Tìm hiểu thêm thông tin về tác giả và hoàn cảnh sáng tác, chú ý bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá, văn học giúp hiểu sâu hơn về ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc và tư tưởng của bài thơ.
Có thể thấy trong bài viết tham khảo, tác giả đã có ý thức đặt bài thơ Mùa xuân xanh trong mối liên hệ với phong trào Thơ mới, so sánh nội dung và hình thức của bài thơ với thơ ca dân gian và trung đại, từ đó chứng minh sự hài hoà giữa tính hiện đại và tính truyền thống của bài thơ.
– Khi phân tích nghệ thuật của bài thơ, chú ý vận dụng các thao tác so sánh và liên tưởng một cách thích hợp. (Ví dụ: so sánh từ ngữ mà nhà thơ lựa chọn với những từ ngữ đồng nghĩa, gần nghĩa, từ đó lí giải vì sao lựa chọn của nhà thơ có thể được xem là tối ưu. )
(Trang 66)
– Cần tập trung vào những phương diện hình thức nghệ thuật và nội dung của bài thơ mà người đọc xem là độc đáo, mới mẻ, thú vị. Ví dụ, bài phân tích Mùa xuân xanh đã chú ý nhấn mạnh vào cái mới, cái mang tính hiện đại trong cảm nhận về thiên nhiên và sự biểu hiện tình cảm của con người.
– Khi đánh giá bài thơ, cần chú ý đầy đủ các giá trị thẩm mĩ và giá trị nhân văn của nó. (Bài thơ gợi cho bạn những trải nghiệm đặc biệt gì về cảm giác, cảm xúc, nhận thức? Những trải nghiệm đó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?)
Chẳng hạn, trong bài phân tích Mùa xuân xanh, tác giả cho rằng niềm vui sống toát lên từ bài thơ của Nguyễn Bính là một giá trị nhân bản; bài viết Bản hoà âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư cho rằng Tiếng thu mang trong nó những tâm tình thời đại được thể hiện trong một cấu trúc ngôn từ thơ ca đẹp đẽ.
Lập dàn ý
Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ (tác giả, thời điểm ra đời, nơi xuất bản, đánh giá chung của dư luận,... ) và nêu vấn đề chính sẽ được tập trung phân tích trong bài viết.
Thân bài:
– Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình (nhân vật trữ tình muốn biểu đạt điều gì, thông qua hình tượng nào, với cái nhìn và thái độ ra sao,...).
– Phân tích, đánh giá sự phát triển của hình tượng chính (qua các khổ, đoạn trong bài) và tính độc đáo của những phương tiện ngôn từ đã được sử dụng (từ ngữ, cách gieo vần, ngắt nhịp, các biện pháp tu từ,...)
– Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại (của chính nhà thơ hoặc của những tác giả khác).
với người viết bài nghị luận.
Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ đối với người viết bài nghị luận.
Viết
– Mỗi ý trong dàn ý cần được triển khai thành một đoạn văn; từng đoạn văn đều có câu chủ đề, được đặt ở vị trí thích hợp.
– Cần chú ý dẫn các dòng thơ, khổ thơ có thể minh hoạ tốt cho ý đã được nêu, kèm theo những lời bình, phân tích phù hợp, tránh tình trạng nói chung chung thiếu căn cứ.
– Cần thể hiện được sự rung động thật sự của mình trước bài thơ nhưng tránh lối nói đại ngôn hay lạm dụng những câu cảm thán.
Chỉnh sửa, hoàn thiện
– Đọc lại và kiểm tra bài viết, đồng thời đối chiếu với các yêu cầu của đề bài, mục đích mà người viết đã đặt ra.
– Thử tóm tắt lại bài viết (khoảng 120 chữ) để tự đánh giá về mức độ chặt chẽ và sự sáng rõ của các luận điểm.
– Chỉnh sửa các lỗi về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.